Thứ sáu, 29/03/2024, 07:04

GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL VÀ MỘT SỐ KỸ NĂNG, NGHIỆP VỤ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL

Thứ bảy - 21/03/2020 10:07 519 0
Ngày 10/3/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; Thông tư gồm 05 chương, 17 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018
CHUYÊN ĐỀ
GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL VÀ MỘT SỐ KỸ NĂNG, NGHIỆP VỤ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL
Ngày 10/3/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; Thông tư gồm 05 chương, 17 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG
1. Sự cần thiết ban hành Thông tư
Công tác PBGDPL có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội; là bộ phận của công tác chính trị- tư tưởng, bộ phận không thể tách rời với công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, công tác này càng có vị trí, vai trò quan trọng, bởi lẽ nếu thực hiện tốt không chỉ bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân mà còn trực tiếp nâng cao nhận thức pháp luật; xây dựng ý thức, lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội; phát huy đầy đủ vai trò của pháp luật trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển xã hội.Nhận thức được điều này, những năm qua, nhất là sau khi Luật PBGDPL được ban hành, các cấp ủy Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đều nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện tốt công tác PBGDPL trong phạm vi trách nhiệm được giao, mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành đều được phổ biến đến cán bộ và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nhận thức pháp luật trong xã hội được nâng lên. Công tác PBGDPL đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PBGDPL đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như thiếu thường xuyên, liên tục và rộng khắp; có nơi chưa khắc phục được tính hình thức, phong trào; tác động xã hội chưa rõ nét. Cách thức tuyên truyền, PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thậm chí phân tán nguồn lực, chậm đổi mới hoặc chưa phù hợp với nội dung, tính chất của đối tượng, địa bàn; mới chú trọng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, chưa thật quan tâm nhiều đến người dân. Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù chưa được quan tâm đúng mức; việc xã hội hóa chưa đạt nhiều kết quả cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL tuy được quan tâm hơn nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; còn nhiều địa phương kinh phí cấp cho PBGDPL rất thấp, hầu như không tăng so với trước khi có Luật PBGDPL (Điện Biên, Cao Bằng, Kon Tum, Bình Phước, Hậu Giang...) hoặc chưa huy động được nguồn tài trợ (Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên…). Trong nhiều nhận xét, đánh giá tổng kết vẫn khẳng định hiệu quả công tác PBGDPL chưa cao hoặc chưa rõ nét, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật trong toàn xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập trên như vẫn còn Bộ, ngành, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác PBGDPL; chưa thấy hết trách nhiệm, cá biệt coi PBGDPL là trách nhiệm của riêng Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp. Một số Hội đồng phối hợp PBGDPL, Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật hoạt động chưa hiệu quả; công tác phối hợp, lồng ghép chưa được chú trọng đúng mức; chất lượng nguồn lực PBGDPL chưa đồng đều, nhất là tại cấp huyện, cấp xã; có nơi chưa quan tâm đầu tư nguồn lực và điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL. Trong đó có nguyên nhân là do chưa có Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong đánh giá, xếp loại đối với từng Bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL đã giao Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, vì vậy, việc ban hành dự thảo Thông tư chính là biện pháp quan trọng để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu được ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc và thực chất, Bộ Tiêu chí sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; khắc phục được tồn tại, hạn chế về chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc trình ban hành Thông tư quy định Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL là thực sự cần thiết, có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL.
2. Quan điểm chỉ đạo
Thông tư được xây dựng dựa trên 03 nhóm quan điểm chỉ đạo sau đây:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác PBGDPL; quán triệt đầy đủ và triển khai thi hành có hiệu quả Luật PBGDPL, Luật tiếp cận thông tin; nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Thứ hai, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL gắn với triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao trong Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn; Nội dung Bộ Tiêu chí phải có tính hệ thống; liên kết, không chồng chéo, mâu thuẫn hoặc trùng lắp với các bộ tiêu chí khácnhư: Tiêu chí tiếp cận pháp luật, Bộ chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh (MEI Index); Bộ chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)…
Thứ ba, kết hợp giữa tự đánh giá với đánh giá của Bộ Tư pháp; bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; lượng hóa tối đa đối với các chỉ tiêu, tiêu chí có thể lượng hóa; đơn giản về quy trình, thủ tục và cơ chế tổ chức thực hiện; không tạo thêm thủ tục, gánh nặng trong triển khai thực hiện.
II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA THÔNG TƯ SỐ 03/2018/TT-BTP QUY ĐỊNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL
1. Cơ cấu, bố cục: Thông tư gồm 05 chương, 17 Điều, bao gồm:
Chương 1: Quy định chung, gồm 03 Điều (Điều 1-3), quy định về i) Phạm vi điều chỉnh; ii) Đối tượng áp dụng; iii) Nguyên tắc xây dựng và áp dụng;
Chương 2: Nội dung Bộ Tiêu chí, gồm 06 (Điều 4-9), quy định về: i) Thành phần Bộ Tiêu chí; ii) Nhóm tiêu chí thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL (tối đa 30 điểm); iii) Nhóm tiêu chí triển khai các hoạt động PBGDPL (tối đa 20 điểm); iv) Nóm tiêu chí về các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác PBGDPL (tối đa 20 điểm); v) Nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL đối với xã hội (tối đa 20 điểm) và vi) Nhóm tiêu chí khác (tối đa 10 điểm).
Chương 3: Đánh giá, chấm điểm, xếp loại hiệu quả công tác PBGDPL gồm 04 Điều (Điều 10-13), quy định về: i) Kỳ đánh giá, cách thức đánh giá, chấm điểm; ii) Tổ chức đánh giá, chấm điểm khi kết thúc kỳ đánh giá; iii) Thực hiện việc xếp loại; iv) Công bố, thông tin về kết quả xếp loại.
Chương 4: Biện pháp bảo đảm thực hiện, gồm 02 Điều (Điều 14-15), quy định về: i) Trách nhiệm tổ chức thực hiện; ii) Kinh phí thực hiện;
Chương 5: Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều (Điều 16-17), quy định về: i) Hiệu lực thi hành và ii) Trách nhiệm thi hành.
2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1 và 2)
a) Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL bao gồm nội dung Bộ Tiêu chí; đánh giá, chấm điểm, xếp loại hiệu quả công tác PBGDPL và biện pháp bảo đảm thực hiện.
b) Về đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng để đánh giá đối với: i) Bộ, cơ quan ngang bộ; ii) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
 Như vậy, Thông tư này sẽ không áp dụng đối với: i) Cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp huyện; cấp xã; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; chủ thể khác được giao nhiệm vụ PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thành viên, hội viên của cơ quan, tổ chức và một số chủ thể khác. Theo điểm c khoản 2 Điều 6 Luật PBGDPL năm 2012, cơ quan thuộc Chính phủ không phải là cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL; không được giao chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành theo ngành, lĩnh vực. Trong khi đó, cách tiếp cận xây dựng Bộ Tiêu chí dựa trên nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm được giao theo Luật PBGDPL liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý; bảo đảm sự kết hợp giữa đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL (gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành) và đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL đối với xã hội (gắn với hoạt động khảo sát, điều tra xã hội học).
Quy định đó bảo đảm tính khả thi có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm, vừa tổng kết rút kinh nghiệm, tập trung vào hai nhóm chủ thể quản lý theo ngành, lĩnh vực và theo lãnh thổ. Đối với UBND cấp xã, việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL gắn với đánh giá mức độ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hằng năm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 27/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  quy định về điểm số các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đối với UBND cấp huyện; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được nghiên cứu, xây dựng sau khi tổng kết, đánh giá việc thực hiện Thông tư; nếu mang lại hiệu quả thiết thực sẽ mở rộng phạm vi đến các đối tượng này. Để phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao triển khai nhiệm vụ PBGDPL và để tránh hiểu lầm Bộ Tư pháp ban hành tiêu chí chỉ để chấm điểm Bộ và UBND cấp tỉnh, Thông tư còn quy định: “Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao và điều kiện thực tiễn, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này; chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nội dung Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với quy định tại Thông tư này” (khoản 1, Điều 14).
3. Về nguyên tắc xây dựng và áp dụng (Điều 3)
Việc xây dựng và áp dụng Thông tư dựa trên 03 nguyên tắc cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành; đề cao trách nhiệm tự đánh giá, chấm điểm của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với đánh giá, chấm điểm và xếp loại của Bộ Tư pháp theo Thông tư này.
Thứ hai, Phản ánh trung thực, chính xác, khách quan, toàn diện tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL; bảo đảm rõ ràng, đầy đủ và thống nhất thông tin thu nhận được từ hoạt động đánh giá, chấm điểm.
Thứ ba, Bảo đảm sự phù hợp của các phương pháp, công cụ đánh giá đối với mục đích, đối tượng, phạm vi và nội dung đánh giá.
4. Về nội dung Bộ Tiêu chí (Điều 4-Điều 9)
Thành phần Bộ Tiêu chí gồm 05 nhóm tiêu chí với 100điểm, bao gồm: i) Nhóm tiêu chí thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL (tối đa 30 điểm); ii) Nhóm tiêu chí triển khai các hoạt động PBGDPL (tối đa 20 điểm); iii) Nhóm tiêu chí về các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác PBGDPL (tối đa 20 điểm); iv) Nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL đối với xã hội (tối đa 20 điểm); v) Nhóm tiêu chí khác (tối đa 10 điểm):
Thứ nhất, nhóm tiêu chí thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL (tối đa 30 điểm), bao gồm: i) Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý (tối đa 10 điểm); ii) Xác định nội dung và hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý (tối đa 05 điểm); iii) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL theo quy định của pháp luật (tối đa 05 điểm); iv) Tổ chức cập nhật văn bản quy phạm pháp luật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ (tối đa 05 điểm); v) Thống kê, báo cáo, tổng kết, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về PBGDPL theo quy định của pháp luật (tối đa 05 điểm).
Thứ hai, nhóm tiêu chí triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (tối đa 20 điểm): i) Thực hiện trách nhiệm đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử theo quy định tại Điều 13 Luật PBGDPL (tối đa 04 điểm); ii) Tổ chức PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc phạm vi quản lý (tối đa 04 điểm); iii) Tổ chức truyền thông, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 11 Luật PBGDPL (tối đa 04 điểm); iv) Chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý tổ chức giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bố trí, chuẩn hóa, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật thuộc phạm vi quản lý (tối đa 04 điểm); v) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật (tối đa 04 điểm).
Thứ ba, nhóm tiêu chí về các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (tối đa 20 điểm): i) Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật theo quy định của pháp luật (tối đa 05 điểm); ii) Bảo đảm tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác PBGDPL theo quy định của pháp luật (tối đa 05 điểm); iii) Bảo đảm kinh phí cho công tác PBGDPL theo quy định của pháp luật (tối đa 07 điểm); iv) Bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác PBGDPL theo quy định của pháp luật (tối đa 03 điểm).
Thứ tư, nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL đối với xã hội (tối đa 20 điểm): i) Mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự học tập, chủ động tìm hiểu pháp luật (tối đa 04 điểm); ii) Mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết pháp luật (tối đa 04 điểm); iii) Mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu pháp luật (tối đa 04 điểm); iv) Mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hài lòng về chất lượng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (tối đa 04 điểm); v) Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do không hiểu biết pháp luật giảm (tối đa 04 điểm). Tương ứng với mỗi chỉ tiêu, điểm số đạt được tính theo tỷ lệ %, cụ thể là: a) Đạt từ 85% đến 100%: 04 điểm; b) Đạt từ 70% đến dưới 85%: 03 điểm; c) Đạt từ 55% đến dưới 70%: 02 điểm; d) Đạt dưới 55%: 01 điểm. Tỷ lệ % được tính theo công thức: Tỷ lệ % đạt được = (Tổng số người lựa chọn nội dung trả lời trong phiếu khảo sát/Tổng số phiếu được khảo sát)* 100%. Tiêu chí này được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và dự báo những tác động trực tiếp của công tác PBGDPL lên xã hội gắn với bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân và trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật của công dân và thái độ của người dân, cán bộ đối với pháp luật cũng như chuyển biến trong hành vi của chủ thể trong thực thi pháp luật.
Thứ năm, nhóm tiêu chí khác (tối đa 10 điểm): Đối với bộ, cơ quan ngang bộ phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm họp báo, thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do mình chủ trì soạn thảo theo Điều 12 Luật PBGDPL (05 điểm); tổ chức biên soạn tài liệu và phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành bằng hình thức thích hợp (05 điểm). Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải củng cố, kiện toàn, triển khai thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh (02 điểm); đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh (02 điểm); chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện (02 điểm); chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo khoản 4, Điều 18; khoản 3, Điều 19; khoản 4, Điều 20; khoản 3, Điều 22 Luật PBGDPL (04 điểm).
Việc xác định nội dung của từng nhóm tiêu chí bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh theo Luật PBGDPL; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL. Căn cứ vào mức độ và kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ sẽ có điểm số tương ứng. Tất cả các tiêu chí đều được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính khả thi, khoa học, có phương pháp, công cụ đánh giá cụ thể, gắn kết chặt chẽ với trách nhiệm thực hiện công tác PBGDPL thường xuyên, hằng năm của Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh theo Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Về kỳ đánh giá, cách thức đánh giá, chấm điểm (Điều 10)
Theo Thông tư, việc đánh giá, chấm điểm, xếp loại hiệu quả công tác PBGDPL được thực hiện định kỳ 02 năm một lần; thời điểm ấn định các thông tin, số liệu để đánh giá, chấm điểm, xếp loại là ngày 31/12 của năm thứ hai tính từ thời điểm đánh giá kỳ trước; mốc thời gian để tính kỳ đầu đánh giá là ngày 31/12/2018. Việc đánh giá, chấm điểm đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu thành phần quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 9 dựa trên kết quả đạt được, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và điểm số quy định tại Thông tư. Việc đánh giá, chấm điểm đối với nhóm tiêu chí quy định tại Điều 8 được thực hiện bằng phương pháp điều tra xã hội học dựa trên Bộ công cụ đánh giá do bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì thực hiện hoặc cơ quan, tổ chức độc lập tiến hành phù hợp với quy định tại Điều 3 và quy định tại Thông tư này.
Hằng năm, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc tự đánh giá, chấm điểm đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu thành phần quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 9; lựa chọn một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để tổ chức khảo sát, đánh giá, chấm điểm đối với nhóm tiêu chí, chỉ tiêu quy định tại Điều 8 Thông tư này và tổng hợp kết quả trong báo cáo công tác tư pháp, pháp chế hằng năm gửi Bộ Tư pháp. Căn cứ kết quả tự đánh giá, chấm điểm và mức độ đạt được để đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao điểm số đối với chỉ tiêu, tiêu chí đạt điểm số thấp.
Kết quả tự đánh giá, chấm điểm hằng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là căn cứ để Bộ Tư pháp đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác PBGDPL hằng năm; có biện pháp đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL hoặc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Trường hợp để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc tổ chức đánh giá đột xuất, đánh giá đối với một số bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên Bộ công cụ đánh giá bao gồm: Mẫu phiếu điều tra, khảo sát; nội dung kiểm tra, phỏng vấn; báo cáo và các tài liệu phù hợp khác. Phương pháp đánh giá, Bộ công cụ đánh giá do Bộ Tư pháp quyết định phù hợp với đối tượng, nội dung khảo sát, đánh giá và quy định tại Điều 3 và quy định tại Thông tư này.
6. Về tổ chức đánh giá, chấm điểm khi kết thúc kỳ đánh giá (Điều 11)
Kết thúc kỳ đánh giá, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tự đánh giá, chấm điểm toàn bộ các nhóm tiêu chí, chỉ tiêu và gửi báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm về Bộ Tư pháp chậm nhất là ngày 28/02 của năm liền kề sau năm cuối của kỳ đánh giá. Điểm số của từng nhóm tiêu chí quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 9 là điểm số trung bình cộng của hai năm trong cùng kỳ đánh giá; điểm số của nhóm tiêu chí quy định tại Điều 8 được lựa chọn dựa trên kết quả điều tra xã hội học. Điểm số tự đánh giá được tính hệ số 1; căn cứ kết quả tự đánh giá, chấm điểm và kết quả theo dõi, quản lý, kết quả kiểm tra, khảo sát, tọa đàm và các nguồn thông tin hợp pháp khác, Bộ Tư pháp tổ chức đánh giá, chấm điểm từng nhóm tiêu chí trong nội dung Bộ Tiêu chí theo Thông tư này. Điểm số do Bộ Tư pháp đánh giá được tính hệ số 2. Tổng số điểm làm căn cứ để Bộ Tư pháp xếp loại được tính theo công thức: Tổng số điểm đạt được = (Điểm số tự chấm *1 + Điểm số do Bộ Tư pháp chấm * 2)/3. Trường hợp cần thiết hoặc có nội dung chưa rõ, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan được đánh giá gửi tài liệu kiểm chứng như: báo cáo, kế hoạch, thông báo, quyết định, công văn… để xác minh độ tin cậy của kết quả tự đánh giá, chấm điểm. Đối với các tiêu chí không có tài liệu kiểm chứng, đề nghị cơ quan được đánh giá giải trình về cách đánh giá, tính điểm; tài liệu kiểm chứng được gửi đến Bộ Tư pháp kèm theo báo cáo tự đánh giá, chấm điểm.
7. Xếp loại và công bố, thông tin về kết quả xếp loại (Điều 12-13)
Việc xếp loại căn cứ vào tổng số điểm mà bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đạt được. Tổng số điểm đạt được và mức xếp loại như sau:
- Tổng số điểm đạt được từ 90 điểm trở lên: Xếp loại xuất sắc;
- Tổng số điểm đạt được từ 80 điểm đến 90 điểm: Xếp loại tốt;
- Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến 80 điểm: Xếp loại khá;
- Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến 70 điểm: Xếp loại trung bình;
- Tổng số điểm đạt được dưới 50 điểm: Xếp loại yếu.
Kết quả xếp loại được Bộ Tư pháp công bố bằng hình thức thích hợp trước ngày 30/4 của năm liền kề sau năm cuối của kỳ đánh giá và thông tin đến cơ quan được xếp loại;
 8. Trách nhiệm tổ chức thực hiện (Điều 14)
Thông tư quy định căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao và điều kiện thực tiễn, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này; chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nội dung Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với quy định tại Thông tư này.
- Vụ PBGDPL chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan thuộc Bộ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10; khoản 2, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư này.
- Tổ chức pháp chế tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm hiệu quả công tác PBGDPL liên quan đến lĩnh vực quản lý theo Thông tư này.
-  Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương theo Thông tư này.
9. Về kinh phí thực hiện (Điều 15)
Kinh phí thực hiện Thông tư này được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với nhóm tiêu chí quy định tại Điều 8 và quy định tại Thông tư này.
10. Về hiệu lực và trách nhiệm thi hành (Điều 16)
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, các đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
III. NGHIỆP VỤ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL
1. Đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu thành phần quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Thông tư
1.1. Các tiêu chí quy định tại Điều 5 Thông tư
a) Tiêu chí ban hành theo thẩm quyền các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý (Khoản 1 Điều 5)
Nhóm tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 5, khi đánh giá, chấm điểm sẽ căn cứ trên việc có hay không ban hành các văn bản công tác PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý. Riêng đối với ban hành chương trình, kế hoạch PBGDPL trung hạn và dài hạn trường hợp trong kỳ đánh giá không phát sinh nhiệm vụ thì vẫn được tính 01 điểm.
b) Tiêu chí tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý (Khoản 2 Điều 5): Việc xác định tỷ lệ % hoàn thành các nhiệm vụ và hoạt động đề ra được xác định theo công thức sau:
Tỷ lệ % hoàn thành các nhiệm vụ và hoạt động đề ra = Số lượng nhiệm vụ đã hoàn thành có sản phẩm (không tính nhiệm vụ chưa triển khai, đang triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn thành) * 100%
Tổng số các nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch, chương trình PBGDPL hằng năm và các nhiệm vụ về PBGDPL được giao trong các văn bản của cơ quan có thẩm quyền
c) Tiêu chí thời điểm ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý (Khoản 3 Điều 5)
Việc xác định sẽ căn cứ vào thời điểm ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý so với thời điểm ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác PBGDPL có thẩm quyền như Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và cấp tỉnh...
d) Tiêu chí xác định nội dung và hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý (Khoản 4 Điều 5)
Việc chấm điểm tiêu chí này sẽ căn cứ vào việc đánh giá sự phù hợp của nội dung, hình thức PBGDPL với đối tượng được PBGDPL. Với năng lực quản lý, kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn của người tổ chức thực hiện PBGDPL, khi thực hiện PBGDPL phải phân loại đối tượng, có nhiều cách thức phân loại đối tượng, có thể theo vùng miền (nông thôn, thành thị, miền núi) hoặc phân loại đối tượng theo thành phần (công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp, nông dân, người lao dộng tự do) hoặc phân loại đối tượng theo lứa tuổi, giới tính (trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ)để từ đó lựa chọn  nội dung, hình thức phù hợp.
e) Tiêu chí tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của pháp luật (Khoản 5 Điều 5)
Việc xác định tỷ lệ % số lượng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý, người làm công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được tập huấn sẽ căn cứ vào việc rà soát số lượng người được tập huấn trên số lượng đội ngũ này thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương..
f) Tiêu chí tổ chức cập nhật văn bản quy phạm pháp luật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ(Khoản 6 Điều 5)
- Về chỉ tiêu tổ chức cập nhật đầy đủ: Cập nhật đầy đủ các văn bản thuộc trách nhiệm quy định tại Điều 13 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP
- Về chỉ tiêu tổ chức cập nhật kịp thời: Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP.
g) Tiêu chí thống kê, báo cáo, tổng kết, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của pháp luật (Khoản 7 Điều 5)
- Chỉ tiêu thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, tổng kết: Việc đánh giá dựa trên thời điểm nộp báo cáo thống kê, báo cáo, tổng kết phù hợp với quy định của pháp luật, hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
- Chỉ tiêu thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về PBGDPL,giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luậtcăn cứ đánh giá dựa trên sự  phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
1.2. Các tiêu chí quy định tại Điều 6 Thông tư
a) Tiêu chí thực hiện trách nhiệm đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử theo quy định tại Điều 13 Luật PBGDPL (Khoản 1 Điều 6): Việc đánh giá căn cứ mức độ cập nhật thông tin về pháp luật thuộc trách nhiệm phải đăng tải công khai trên Cổng/trang thông tin của bộ, ngành, địa phương.
b) Tiêu chí tổ chức PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc phạm vi quản lý (Khoản 2 Điều 6);Tiêu chí tổ chức truyền thông, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 11 Luật PBGDPL (Khoản 3 Điều 6): Việc đánh giá căn cứ trên xác định về mức độ đầy đủ về nội dung, nhiệm vụ công việc và tính kịp thời về thời gian thực hiện.
d) Tiêu chí chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý tổ chức giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bố trí, chuẩn hóa, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật thuộc phạm vi quản lý (Khoản 4 Điều 6)
Việc đánh giá căn cứ vào việc đã ban hành các sản phẩm cụ thể như: văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; văn bản, báo cáo rà soát, chuẩn hóa đội ngũ; văn bản rà soát, chuẩn hóa nội dung chương trình, giáo trình
e) Tiêu chí chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam(Khoản 5 Điều 6)
Việc đánh giá căn cứ vào việc đã ban hành các sản phẩm cụ thể như: văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; báo cáo kết quả thực hiện trong đó nêu các kết quả triển khai các hoạt động cụ thể, tổng kết các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật.
1.3. Các tiêu chí quy định tại Điều 7 Thông tư
Việc đánh giá sẽ căn cứ vào văn bản chỉ đạo hướng dẫn, báo cáo đánh giá, kiểm tra, khảo sát trên tình hình thực tế triển khai các nhiệm vụ.
1.4. Các tiêu chí quy định tại Điều 9 Thông tư
a) Đối với bộ, cơ quan ngang bộ (Khoản 1 Điều 9)
Thực hiện theo hướng dẫn trong Thông tư đánh giá theo tỷ lệ % mức độ hoàn thành nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch
b) Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Khoản 2 Điều 9)
Căn cứ đánh giá dựa trên các sản phẩm cụ thể bao gồm: Quyết định kiện toàn, báo cáo kết quả hội đồng, công văn hướng dẫn chỉ đạo…
2. Đánh giá nhóm tiêu chí tại Điều 8 Thông tư
Việc đánh giá được thực hiện theo phương pháp điều tra khảo sát xã hội học, cụ thể như sau:
2.1. Đối tượng khảo sát
  Là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, tổ chức thuộc phạm vi quản lý đã được thụ hưởng hoạt động PBGDPL bảo đảm tính đại diện, đa dạng giữa cácđối tượng, vùng miền, địa bàn..
2.2. Số lượng phiếu khảo sát
  Tùy theo khả năng, nhu cầu, chủ thể tự đánh giá xác định số lượng phiếu khảo sát đủ để đánh giá được theo yêu cầu và mục đích của việc khảo sát.
2.3. Hình thức khảo sát:
Tùy theo điều kiện cụ thể, việc khảo sát có thể được thực hiện dưới các hình thức sau:
- Phát phiếu khảo sát trực tiếp đến người dân, tổ chức để trả lời;
- Phát phiếu khảo sát qua đường bưu điện đến người dân, tổ chức để trả lời;
- Khảo sát trực tuyến trên mạng internet;
- Gửi phiếu khảo sát qua thư điện tử;
- Tổ chức khảo sát thông qua màn hình điện tử tại nơi tiếp dân hoặc nơi làm thủ tục một cửa.
2.4. Nội dung khảo sát
Nội dung khảo sát phải tập trung làm rõ các nội dung sau:
a) Thông tin người trả lời phiếu:
- Đối với cá nhân: phân loại đối tượng, có thể theo vùng miền (nông thôn, thành thị, miền núi) hoặc phân loại đối tượng theo thành phần (công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp, nông dân, người lao dộng tự do) hoặc phân loại đối tượng theo lứa tuổi, giới tính (trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ)       - Đối với tổ chức: Tập trung phân loại theo hình thức hoạt động, lĩnh vực hoạt động, quy mô tổ chức và vị trí của người đại diện trả lời.
b) Các nội dung cần thu thập thông tin:
Đánh giá mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự học tập, chủ động tìm hiểu pháp luật, biết, hiểu về pháp luật, hài lòng về chất lượng PBGDPL được thực hiện trên cơ sở các câu hỏi tại phiếu điều tra xã hội học với các câu hỏi đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, đạt được mục đích, yêu càu đề ra của việc đánh giá.
- Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do không hiểu biết pháp luật giảm: Sử dụng kết quả khảo sát so sánh với cùng kỳ đánh giá hoặc năm trước đó để tỉnh tỷ lệ % tăng hoặc giảm để xác định mức độ điểm tương ứng.
3. Cách thức xử lý mẫu phiếu khảo sát làm cơ sở để xác định tỷ lệ %
Ví dụ 1: Tiến hành khảo sát, phát tổng số 100 phiếu cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; có 35 phiếu trả lời là biết pháp luật là do tự học tập, chủ động tìm hiểu pháp luật. Tỷ lệ % mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự học tập, chủ động tìm hiểu pháp luật = (35/100)*100% = 35%, thuộc điểm d, khoản 1, được 01 điểm.
Ví dụ 2: Tiến hành khảo sát, phát tổng số 100 phiếu cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; có 55 phiếu trả lời là biết (hoặc hiểu rõ) về quy định của pháp luật. Tỷ lệ % về mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết (hoặc hiểu) pháp luật = (55/100)*100% = 55%, thuộc điểm c, khoản 2 và khoản 3, được 02 điểm.
Ví dụ 3: Tiến hành khảo sát, phát tổng số 100 phiếu cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; có 75 phiếu trả lời là hài lòng về chất lượng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Tỷ lệ % mức độ người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hài lòng về chất lượng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật = (75/100)*100% = 75%, thuộc điểm b, khoản 4, được 03 điểm.
Ví dụ 4: Tiến hành khảo sát, phát tổng số 100 phiếu cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật; có 70 phiếu trả lời nguyên nhân vi phạm pháp luật là do không hiểu biết pháp luật. Tỷ lệ % người vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật = (70/100)* 100% = 70%. So sánh với cùng kỳ đánh giá hoặc năm trước đó để xét tỷ lệ tăng hay giảm để xác định tỷ lệ, mức độ giảm để tính điểm số tương ứng với mức độ đạt được.
4. Xây dựng báo cáo tự đánh giá
Báo cáo kết quả đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải bao gồm các nội dung sau:
4.1. Tên báo cáo: Báo cáo tự đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ……. (tên cơ quan/địa phương)
4.2. Nội dung báo cáo: Bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
  a) Giới thiệu chung: Nêu phạm vi, đối tượng và trách nhiệm thực hiện việc đánh giá.
  b) Quá trình triển khai:  Miêu tả phương pháp đánh giá được lựa chọn; quá trình thu thập, xác định thông tin;triển khai tổng hợp, phân tích thông tin; bố trí nguồn lực.
  c) Kết quả đánh giá: Đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng tiêu chí quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có thuyết minh và minh họa cụ thể.
  d) Phương hướng, giải pháp và kiến nghị
  - Nêu lên phương hướng và các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương
  - Đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về nội dung đánh giá theo Bộ tiêu chí trong tương lai. (nếu có)
  e) Các phụ lục: Bảng thống kê các đơn vị đã được chọn khảo sát qua phiếu, kiểm tra, phỏng vấn; Bảng thống kê phiếu điều tra phát ra, thu về; Bảng tự chấm điểm và thuyết minh với từng số điểm chấm đối với mỗi chỉ tiêu cụ thể.
3. Về kỳ đáng giá đầu tiên
Kỳ đánh giá đầu tiên được tính từ ngày 31/12/2018 và kết thúc vào ngày 31/12/2020; trong kỳ đánh giá; Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao trong công tác PBGDPL phải tổng hợp, cập nhật và thống kê đầy đủ tổng khối lượng công việc phải thực hiện trong kỳ; tổng khối lượng công việc đã hoàn thành trong kỳ. Căn cứ vào mức độ hoàn thành để đánh giá, chấm điểm tương ứng với điểm số đạt được theo Bộ Tiêu chí; Đối với những nhiệm vụ trong kỳ đánh giá không phát sinh vì lý do khách quan thì vẫn được trọn vẹn điểm số.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down