Thứ bảy, 21/12/2024, 10:39

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN

Thứ bảy - 21/03/2020 10:36 962 0
Trong hoạt động tư pháp, xét xử được coi là khâu trung tâm có vai trò quyết định; bởi hoạt động xét xử bao giờ cũng gắn với việc Tòa án nhân danh Nhà nước ra một quyết định, một bản án bảo vệ lợi ích Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giáo dục công dân tuân thủ pháp luật. Tòa án có thể thực hiện việc giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nhưng tập trung nhất và quan trọng nhất vẫn là giáo dục qua hoạt động xét xử.
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử được ghi nhận trong Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2002, bằng hoạt động của mình “Tòa án giáo dục cho mọi người ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện thói quen tuân thủ pháp luật, cần làm cho mọi người tin rằng bất cứ sự vi phạm pháp luật nào cùng sẽ bị Tòa án và xã hội lên án, giáo dục mọi công dân ý thức tham gia vào hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm”1.
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, có chủ định và có kế hoạch của các chủ thể giáo dục (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Thư ký tòa án, Giám định viên) đến các đối tượng giáo dục (những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa) nhằm hình thành ở họ ý thức pháp luật, trạng thái xúc cảm, tình cảm pháp luật đúng đắn là cơ sở cho hành vi, ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
Như vậy, cùng với Thẩm phán và các thành viên trong hội đồng xét xử, còn có các chủ thể khác như  Kiểm sát viên, Thư ký tòa án, Luật sư…cũng có những tác động giáo dục đến các đối tượng khác nhau. Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư luôn phải ý thức được rằng mọi hoạt động của họ đều hướng tới đảm bảo cả chức năng giáo dục. Họ phải tác động đến cả bị cáo, thức tỉnh trong bị cáo cảm giác lầm lỗi và mong muốn được sửa chữa lỗi lầm đó. Họ cần phải tác động đến tất cả những người tham dự phiên toà, hình thành cho những người này ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa, chỉ ra cho họ con đường đấu tranh chống hành vi vi phạm pháp luật, củng cố phẩm chất ý chí cần thiết cho họ trong cuộc đấu tranh này.2
Thông qua hoạt động xét xử, có thể giúp cho những người tham gia tố tụng (bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị kiện) và những người theo dõi phiên toà (trực tiếp tại Tòa án hay gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng) hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn về những quy định của pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Từ đó họ có thể tự đánh giá về hành vi và trách nhiệm pháp lý của mình, giúp hình thành ở họ những cảm xúc về sự công bằng nghiêm minh của pháp luật, tôn trọng các đại diện của công lý, giúp họ định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật (cụ thể là phù hợp với những bản án, quyết định đúng đắn của hội đồng xét xử), giúp định hướng dư luận xã hội, nhờ đó mà phát huy tác dụng phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hoạt động xét xử cũng như hoạt động giáo dục.
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật có thể thông qua hoạt động hòa giải các vụ việc dân sự, thông qua phiên tòa xét xử các loại vụ án (phiên tòa xét xử tại tòa án và phiên tòa xét xử lưu động).
1.       Xem Luật tổ chức tòa án nhân dân 2002.
2.       Xem Dulôv – Tâm lý tư pháp. Minsk, 1975.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down