Thứ năm, 12/09/2024, 12:40

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PBGDPL THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Chủ nhật - 22/03/2020 08:57 729 0
Trợ giúp pháp lý được hiểu là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác theo quy định của pháp luật. Mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý là nhằm giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực hiện công bằng xã hội.
Chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp. Còn nếu hiểu theo nghĩa hẹp, chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ bao gồm các tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước, đó là các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm ở địa phương (hiện nay đã có 64 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật. Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí là người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số thường trú ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Dự án hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý ở Việt Nam thì một số đối tượng khác như người chưa thành niên, đồng bào dân tộc nói chung, phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực trong gia đình và tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và một số hình thức khác. Trợ giúp pháp lý được thực hiện đối với tất cả các vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong hầu hết các lĩnh vực pháp luật, trừ các vụ việc có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Hoạt động trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí đối với người được trợ giúp pháp lý. Người yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải trả bất kỳ một khoản lệ phí hay thù lao nào dưới bất kỳ hình thức nào. Kinh phí hoạt động trợ giúp pháp lý do ngân sách Nhà nước cấp và nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đặc điểm của phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý 
Hoạt động trợ giúp pháp lý có quan hệ mật thiết với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số còn tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này (Điều 3 Luật trợ giúp pháp lý). Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, bằng các hình thức trợ giúp pháp lý như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, v.v... người thực hiện trợ giúp pháp lý phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật để xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật và biết vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình khi bị xâm phạm. Khác với các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn thường được áp dụng như tuyên truyền miệng về pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình báo chí... mang tính chất đại trà, hướng vào số đông, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý có những đặc điểm sau đây:
- Chủ thể thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật là các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người trực tiếp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý là các trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật.
- Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật là một con người cụ thể, phần lớn là những người nghèo ở vào hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp, khả năng giao tiếp hạn chế, nắm bắt vấn đề chậm.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý tập trung vào những lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp đến những vướng mắc pháp luật hoặc những vụ việc cụ thể của người yêu cầu trợ giúp pháp lý nên có mức độ ảnh hưởng sâu sắc hơn tới bản thân người được trợ giúp pháp lý, đồng thời có sức lan tỏa tới những người xung quanh.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý gắn liền với việc thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức dịch vụ pháp lý khác, hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, đưa ra các giải pháp, phương hướng giải quyết những vướng mắc pháp luật để giúp người được trợ giúp pháp lý ứng xử phù hợp với pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down