Thứ hai, 20/01/2025, 23:08

CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ PBGDPL TRONG CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ

Thứ bảy - 21/03/2020 10:37 824 0
Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân ngày càng được coi trọng. Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động hoà giải ở cơ sở là một trong các hình thức tuyên truyền, đơn giản, thiết thực và hiệu quả. Để phát huy vai trò tích cực của loại hình này cần tiến hành các giải pháp sau đây:
1. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ Hoà giải viên.
         Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức cho các Hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, vì thế hàng năm, tư pháp các cấp cần có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ Hòa giải viên. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật có thể tổ chức định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần, hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhập kịp thời những văn bản pháp luật mới vừa được thông qua, các văn bản pháp luật này liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân địa phương. Nội dung tập huấn nên xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương. Có thể tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải và phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động hoà giải ở cơ sở.
2. Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động
         Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên là một trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có sức hấp dẫn và hiệu quả, thông qua các hội thi những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; đối tượng của hội thi rất rộng rãi, tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thỏa mái và hoàn toàn chủ động qua đó khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. Vì vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, phát huy rộng rãi trong cuộc sống người dân.
        Các hội thi này một mặt khuyến khích, động viên phong trào hoà giải trong cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, mặt khác còn là dịp tốt để các Hoà giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hoà giải. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các Hoà giải viên, đưa công tác hoà giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương, như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...
3. Cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật  cho đội ngũ Hoà giải viên.
        Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những  nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm các đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các Tổ hoà giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các Hoà giải viên.
4. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hay toạ đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải.
         Đây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên, một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và đội ngũ Hòa giải viên của các Tổ hòa giải, mặt khác đây còn là diễn đàn để các Hoà giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả cũng như kiến nghị về công tác hòa giải nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.
5. Bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật.
        Để nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hiện nay. Ngày 05/8/2005 Bộ Tài chính đã có Thông Tư số 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Căn cứ vào điều kiện kinh tế cụ thể của địa phương và Thông tư số 63 nêu trên, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã dành khoản kinh phí nhất định để chi cho các hoạt động hòa giải như: kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng công tác hòa giải; tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên; tổ chức thi Hòa giải viên giỏi; chế độ thù lao cho Hòa giải viên;.. nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down