Thứ hai, 30/12/2024, 13:03

BIÊN SOẠN ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Chủ nhật - 22/03/2020 09:03 1.314 0
1. Một số vấn đề chung

1.1. Khái niệm đề cương

Đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật là tài liệu dùng để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, phổ biến một văn bản pháp luật, một vấn đề pháp lý mà người sử dụng có thể dựa vào đó để nghiên cứu nội dung văn bản, các trọng tâm cần tập trung tuyên truyền, phổ biến văn bản hoặc để biên soạn các tài liệu tuyên truyền khác một cách cụ thể, sát hợp, sinh động, phù hợp với bối cảnh, đối tượng nhưng vẫn đảm bảo cho đối tượng hiểu chính xác nội dung văn bản và thực hiện thống nhất. Mặt khác, đề cương tuyên truyền còn có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức triển khai tuyên truyền văn bản pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng, trên từng địa bàn.
1.2. Sự cần thiết phải xây dựng đề cương tuyên truyền pháp luật
Nhiệm vụ cơ bản của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là làm cho mọi ngành, mọi cấp, mọi cơ quan, tổ chức, mọi công dân đều hiểu biết pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai ở nhiều ngành, nhiều cấp, bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Yêu cầu xuyên suốt trong quá trình triển khai là mọi người phải hiểu đúng các quy định của pháp luật để từ đó vận dụng một cách thống nhất, vì vậy họ phải nắm bắt được tư tưởng chủ đạo của văn bản trước khi nắm văn bản, những vấn đề cốt lõi khi xây dựng văn bản quy định những vấn đề gì, quy định như thế nào và tại sao lại quy định như vậy. Việc xây dựng một quy phạm pháp luật, một văn bản quy phạm pháp luật luôn bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, tài chính, phong tục, truyền thống, trình độ dân trí... Vì vậy, chỉ với những tài liệu, kiến thức đã tích luỹ được trong quá trình lâu dài và cả những gì nắm được trong quá trình dự thảo văn bản, với trình độ pháp lý và kinh nghiệm nghề nghiệp nhất định, người viết đề cương mới thâu tóm được tinh thần văn bản đưa vào đề cương.
Đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật còn có tác dụng hướng dẫn chỉ đạo việc triển khai tuyên truyền văn bản. Vì vậy, viết đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật bao giờ cũng giữ một vị trí quan trọng trong công tác chỉ đạo và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật.
1.3. Đối tượng sử dụng đề cương
Đối tượng sử dụng đề cương tuyên truyền rất đa dạng, thường là các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên báo đài, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan tư pháp và cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp.
1.4. Yêu cầu của việc xây dựng đề cương
Xây dựng đề cương tuyên truyền pháp luật cần bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
Về hình thức: Bố cục đề cương phải rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý. Ngôn ngữ được sử dụng trong đề cương phải là ngôn ngữ đại chúng, cách hành văn giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Diễn đạt phải mạch lạc, súc tích, ngắn gọn.
Về nội dung: Đề cương phải tạo điều kiện cho người sử dụng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc ban hành văn bản pháp luật, hiểu chính xác quy định của pháp luật, nắm được nội dung chính, những vấn đề trọng tâm của văn bản pháp luật, cách vận dụng văn bản trong các quan hệ pháp luật.
Về thời gian: Để đảm bảo tính thời sự của văn bản, đề cương tuyên truyền cần được biên soạn và cung cấp kịp thời cho các đối tượng để tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến trước ngày văn bản có hiệu lực pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật được thống nhất.
1.5. Yêu cầu đối với người viết đề cương
 Để đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật có chất lượng, yêu cầu người viết đề cương tuyên truyền pháp luật cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:
-  Có trình độ pháp lý nhất định. Chất lượng của đề cương tuyên truyền pháp luật phụ thuộc nhiều vào trình độ pháp luật của người viết đề cương, vì thế để đảm bảo yêu cầu tối thiểu của đề cương, người viết đề cương phải được đào tạo về pháp luật hoặc có nhiều năm công tác thực tiễn trong lĩnh vực đó.
-  Nắm vững nội dung văn bản. Người viết đề cương tuyên truyền pháp luật  có thể là người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo, cho ý kiến hoặc thẩm định nội dung văn bản pháp luật đó, thì họ chính là người hiểu rõ nhất những nội dung quan trọng và những vấn đề cốt lõi của văn bản pháp luật (như đối tượng, phạm vi điều chỉnh). Trong trường hợp, người viết đề cương tuyên truyền không phải là người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo, cho ý kiến hoặc thẩm định nội dung văn bản pháp luật đó, thì cần phải tìm hiểu và nắm vững nội dung của văn bản đó trước khi viết đề cương.
-  Hiểu sâu sắc vấn đề mà văn bản pháp luật điều chỉnh. Để đáp ứng yêu cầu này, người viết đề cương phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng về các vần đề cần nêu, các văn bản gốc và các văn bản có liên quan khác nếu có, tìm hiểu pháp luật của nước ta trước đây và pháp luật của nước ngoài quy định về vấn đề đó, các tài liệu, lý luận, giáo khoa và đôi khi phải tìm hiểu cả về mặt kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực đó.
-  Hiểu rõ  đối tượng sử dụng đề cương. Đối tượng sử dụng đề cương tuyên truyền pháp luật thường là cán bộ làm công tác tuyên truyền của các ngành, các cấp; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tin đại chúng chuyên viết về pháp luật để từ đó người viết đề cương tuyên truyền có cách viết cho phù hợp với trình độ, nghề nghiệp, tâm lý lứa tuổi...
-  Nắm vững tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống ... tình hình vi phạm pháp luật và yêu cầu quản lý về từng lĩnh vực. Do đó, người viết đề cương tuyên truyền cần phải tích luỹ tài liệu, kiến thức, bám sát thực tế cuộc sống, có quan hệ phối hợp rộng rãi với các cơ quan ban, ngành.
-  Có vốn ngôn ngữ phong phú, lối hành văn giản dị, trong sáng, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng. 
2. Nội dung cơ bản của Đề cương
Đề cương tuyên truyền một văn bản pháp luật thường bao gồm 3 phần chính sau đây:
Phần 1. Những vấn đề chung
Phần này thường nêu sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc ban hành văn bản. Phần này cũng cần nêu nguồn gốc pháp lý của văn bản (xuất phát từ Hiến pháp, Luật hoặc các văn bản quy phạm khác), vị trí, vai trò của văn bản trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Quan điểm và những nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng văn bản pháp luật; tư tưởng chủ đạo và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong đời sống hàng ngày và yêu cầu của chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước ta.
Phần 2.  Giới thiệu văn bản
Một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng của đề cương tuyên truyền là giúp đối tượng nắm bắt một cách khái quát về nội dung của văn bản đó mà không thể đi sâu giới thiệu hết các chương, các điều của văn bản đó. Vì vậy phần đầu của đề cương phải giới thiệu bố cục của văn bản với nguyên văn tên các phần, chương, mục để người đọc khái quát được nội dung của văn bản pháp luật đó.
Giới thiệu bố cục văn bản: số chương, tên các chương, số điều trong chương để người sử dụng có thể hình dung khái quát nội dung văn bản.
Nội dung chủ yếu của văn bản:
- Nhiệm vụ của văn bản;
- Đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản;
- Những nguyên tắc chung chi phối các quy định trong văn bản;
Những vấn đề được đề cập trong nội dung văn bản, ý nghĩa các quy phạm, chế định trong văn bản;
- Những điểm mới trong văn bản so với pháp luật hiện hành, những điểm sửa đổi, bổ sung, lý do sửa đổi, bổ sung, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung. Khi cần thiết có thể nêu một số vấn đề gây tranh luận, những vấn đề đang tồn tại;
- Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể và những người có liên quan, các quy định, thủ tục phải thực hiện;
- Vị trí của văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành, các văn bản sẽ ban hành kèm theo (nếu có).
Phần 3. Tổ chức thực hiện
Đây là phần hướng dẫn người sử dụng đề cương chủ yếu là các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, các cơ quan thông tin đại chúng. Trong phần này cần làm rõ các vấn đề:
Nêu trọng tâm, trọng điểm tuyên truyền, gắn tuyên truyền văn bản với việc thực hiện những chủ trương lớn, những vấn đề thời sự và yêu cầu quản lý của ngành, của địa phương;
- Đưa ra các gợi ý về biện pháp tổ chức thực hiện, phương pháp và hình thức tuyên truyền đối với từng loại đối tượng, từng địa bàn căn cứ vào nhu cầu của đối tượng và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; đặc biệt là tập trung quan tâm đến đối tượng cần chú trọng tuyên truyền;
- Phương hướng phối hợp giữa ngành tư pháp, các ngành hữu quan và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức tuyên truyền văn bản.
Phần 4. Phụ lục (nếu có)
Trong điều kiện có thể, đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật nên có các tài liệu tham khảo kèm theo bao gồm các số liệu, các trích dẫn để khẳng định, chứng minh, so sánh, mở rộng những vấn đề đã nêu trong đề cương nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cấp, các ngành có điều kiện tham khảo, dẫn chứng khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
3.     Các bước cần thiết để viết Đề cương
Để viết được một đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật hoàn chỉnh và có chất lượng,  thường được tiến hành qua các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị
- Nghiên cứu văn bản pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.
- Thu thập và nghiên cứu kỹ các tài liệu có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản như: tờ trình về việc ban hành văn bản; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản; các văn kiện của Đảng, chính sách của nhà nước;  các tài liệu trong nước và nước ngoài liên quan đến nội dung văn bản để nắm được xuất xứ của văn bản (nếu là văn bản ban hành lần đầu), văn bản gốc và yêu cầu thực tế khách quan liên quan đến những nội dung cần sửa đổi, bổ sung (đối với văn bản sửa đổi, bổ sung).
-  Tìm hiểu đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng đề cương để đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo cách thức, biện pháp tuyên truyền thích hợp.
-  Nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội, phong tục, truyền thống, tình hình vi phạm pháp luật, yêu cầu quản lý về lĩnh vực đề cập trong văn bản, để phân tích các vấn đề nêu ra trong văn bản đã đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội và yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực đó.
Bước 2: Biên soạn đề cương.
Trước khi viết một đề cương hoàn chỉnh, thường xây dựng bố cục đề cương chi tiết. Sau khi lãnh đạo thông qua bố cục đề cương, có thể:
- Trực tiếp biên soạn bằng cách dựa trên cơ sở đề cương chi tiết và các tài liệu đã được nghiên cứu để viết đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham gia soạn thảo văn bản đề nghị  viết theo bố cục đề cương chi tiết.
Bước 3: Biên tập đề cương.
Bước 4: Hoàn chỉnh, in ấn và gửi cho các đối tượng sử dụng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down