Thứ ba, 21/01/2025, 05:58

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUA MẠNG INTERNET

Chủ nhật - 22/03/2020 09:08 1.308 0
1. Giới thiệu chung

10 năm qua, kể từ ngày chính thức được triển khai tại Việt Nam, Internet đã phát triển với một tốc độ rất nhanh chóng. Từ con số 0, chúng ta đã vượt qua cả Thái Lan, Philippin… thậm chí cả Trung Quốc để đứng thứ 3 toàn khu vực về mật độ dân cư sử dụng Internet. Internet đã có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống… Thống kê của Bộ Bưu chính viễn thông cho thấy, hiện nay, Internet đã đi vào 100% các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, Cao đẳng, các Bệnh viện trung ương, các Tập đoàn và các Tổng công ty nhà nước, 98% các trường Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp, 92% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 50% các trường Trung học cơ sở, Bệnh viện cấp tỉnh, 26/26 Bộ Ngành, 56/64 tỉnh thành đã có Website riêng; ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, Internet cũng đã có mặt để phục vụ nhân dân. Tuyên truyền pháp luật trên mạng internet là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Ưu điểm của hình thức này là có thể hướng tới phổ biến pháp luật cho nhiều đối tượng, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau như học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, doanh nhân, công nhân… Đây là một lợi thế lớn của Internet so với các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác.
2. Một số cách thức tuyên truyền pháp luật phổ biến trên mạng Internet
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên mạng Internet là một hình thức tuyên truyền hiện đại nhằm truyền tải những thông tin, yêu cầu, nội dung các quy định pháp luật đến với ngư­ời dân, giúp cho ngư­ời dân hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu. Có nhiều cách thức khác nhau để thực hiện tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet, dưới đây là một số mô hình, cách thức tuyên truyền phổ biến. 
2.1. Cung cấp văn bản quy phạm pháp luật
Hiện nay, văn bản pháp luật vẫn là nguồn luật chủ yếu của hệ thống pháp luật nước ta. Vì vậy, nhu cầu tìm hiểu văn bản pháp luật luôn là một nhu cầu lớn của mọi tổ chức, cá nhân.
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta bao gồm: Văn bản do Quốc hội ban hành (Hiến pháp, luật, nghị quyết); văn bản do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành (pháp lệnh, nghị quyết); văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ở trung ương ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; quyết định, chỉ thị, thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội); văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; văn bản do Uỷ ban nhân dân ban hành còn để thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp (nghị quyết của Hội đồng nhân dân; quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân).
Điều quan trọng nhất khi đưa các văn bản pháp luật lên trên mạng internet là văn bản đó phải đảm bảo tính chính xác. Để có được điều này, người thực hiện công việc cần dựa vào các nguồn cung cấp văn bản chính thống như Công báo Chính phủ, Công báo địa phương, Lệnh công bố của Chủ tịch nước, các bản chính, bản sao văn bản có giá trị như bản chính… Bên cạnh đó, có thể tham khảo các nguồn cung cấp văn bản pháp luật trên các trang web có độ tin cậy cao như Trang web của Trung tâm thông tin Văn phòng Quốc hội: http://www.na.gov.vn hoặc Website Chính phủ: http://www.chinhphu.vn hoặc Cổng thông tin của Bộ Tư pháp: http://www.moj.gov.vn/hay Cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật tại địa chỉ http://vbqppl.moj.gov.vn/ hoặc tham khảo các đĩa CD-ROM cơ sở dữ liệu pháp luật Việt Nam. 
Việc cung cấp văn bản pháp luật cần đảm bảo tính cập nhật, kịp thời cung cấp những thông tin về các quy định mới, những chính sách mới của Nhà nước đến người dân. Điều này đòi hỏi người thực hiện phải nhanh chóng cập nhật các thông tin mới về các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân…
Ngoài ra, tính có hệ thống là một yêu cầu quan trọng trong việc cung cấp văn bản pháp luật phục vụ mục đích tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet. Bên cạnh việc sắp xếp theo ngày ban hành, các văn bản nên được sắp xếp theo lĩnh vực để người đọc tiện theo dõi, tra cứu khi cần.
Bên cạnh việc cung cấp văn bản pháp luật, nếu có kèm theo lời tóm tắt, giới thiệu nội dung chính của văn bản thì sẽ rất hữu ích, tiện lợi cho người đọc. Thông qua nội dung tóm tắt, độc giả có thể biết được những nội dung cơ bản của văn bản pháp luật. Không nhất thiết phải tóm tắt tất cả các văn bản pháp luật mà có thể lựa chọn những văn bản quan trọng, văn bản mới, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Khi tóm tắt nội dung của văn bản pháp luật cần nêu được tinh thần chung của văn bản, nêu nội dung của những quy định mới, những quy định cơ bản của văn bản. Yêu cầu của lời tóm tắt là phải nêu được tên văn bản, cơ quan ban hành, ngày tháng ban hành, ngày có hiệu lực của văn bản, tên các văn bản pháp luật hết hiệu lực được văn bản đó thay thế. Lời tóm tắt cần ngắn gọn, dễ hiểu đồng thời bảo đảm được tính chuẩn xác, tránh hiểu sai, hiểu nhầm các quy định của pháp luật (vì thế khi cần thiết có thể trích nguyên văn những quy định của pháp luật).
2.2. Hỏi đáp pháp luật
Hỏi đáp pháp luật là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Các câu hỏi về pháp luật có nhiều dạng, có thể là câu hỏi trực tiếp (ví dụ như “tội phạm là gì?”, “thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân được pháp luật quy định như thế nào?”) hoặc câu hỏi gián tiếp thông qua một tình huống, một sự kiện xảy ra trong thực tế.
Câu hỏi trực tiếp thường dùng để giải thích các khái niệm hoặc thuật ngữ pháp lý, các vấn đề có tính lý thuyết. Vì thế, câu trả lời đối với câu hỏi trực tiếp thường gồm hai phần: giải thích khái niệm sau đó đưa ra ví dụ minh họa.
Đối với câu hỏi gián tiếp, câu trả lời cần phân tích tình huống, sự kiện, chỉ ra các sự kiện pháp lý, sau đó chỉ dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề được hỏi.
Tuy nhiên, dù dưới dạng nào thì câu hỏi và câu trả lời cũng cần ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng, gây rối và khó hiểu cho người đọc.
Hiện nay, nguồn hình thành các câu hỏi đáp pháp luật có hai dạng: một là, độc giả truy cập vào trang web rồi gửi câu hỏi cho Ban biên tập (gọi là hỏi đáp theo yêu cầu độc giả); hai là, Ban biên tập nghiên cứu, phát hiện thấy những vấn đề nhiều người quan tâm rồi xây dựng nội dung các vấn đề đó dưới dạng hỏi đáp. Tuy nhiên, cho dù các câu hỏi đáp được hình thành như thế nào thì người biên tập cũng cần lưu ý là phải lựa chọn câu hỏi, trả lời phù hợp và cần sắp xếp câu hỏi đáp pháp luật một cách khoa học, dễ tìm, dễ tra cứu khi cần thiết. Việc sắp xếp này có thể theo nhiều tiêu chí như theo lĩnh vực pháp luật (ví dụ: pháp luật lao động, pháp luật đất đai…) hoặc theo đối tượng hỏi đáp (ví dụ: hỏi đáp pháp luật dành cho thanh niên, phụ nữ, doanh nghiệp…).
2.3. Xây dựng các chuyên mục chuyên sâu về pháp luật
Các chuyên mục tuyên truyền chuyên sâu về pháp luật cung cấp những kiến thức sâu về từng vấn đề pháp luật cụ thể. Các chuyên mục thuộc loại này có thể được xây dựng theo tiêu chí như đối tượng cần tuyên truyền, nội dung pháp luật… (Ví dụ như chuyên mục thủ tục tố tụng dân sự, hình sự, pháp luật hội nhập WTO, pháp luật đất đai…). Song song với việc đảm bảo về nội dung kiến thức, các chuyên mục này cần chú ý đến những vấn đề trình bày, biên soạn nội dung cần tuyên truyền dưới dạng sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh sinh động để người đọc dễ theo dõi.
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua những chuyên mục chuyên sâu có nội dung mang tính lý thuyết nên xây dựng những chuyên mục đi sâu phân tích các tình huống cụ thể dưới góc độ pháp luật. Thực tế cho thấy cách làm này mang lại hiệu quả cao, người đọc dễ hiểu và dễ nhớ. Những câu chuyện pháp luật, những tình huống mâu thuẫn có thật trong cuộc sống được phân tích dưới góc độ pháp luật có thể giúp chuyển tải kiến thức pháp luật một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ tới người đọc.
2.4. Đưa các tài liệu tuyên truyền pháp luật lên mạng Internet
Đưa các tài liệu tuyên truyền pháp luật lên mạng Internet được hiểu là chuyển nội dung của các ấn phẩm tuyên truyền đã xuất bản (sách, đặc san, tờ gấp, tờ rơi, băng casset, đĩa hình, đĩa tiếng…) thành dữ liệu điện tử và đăng tải dữ liệu đó trên mạng Internet. Như vậy, các tài liệu tuyên truyền pháp luật đăng trên mạng Internet có nội dung giống như nội dung của các ấn phẩm đã xuất bản.
Cách làm này không những giúp tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm cả chi phí, bởi vì không phải lúc nào cũng có điều kiện để xây dựng các chuyên mục tuyên truyền pháp luật hay biên soạn mới nội dung tuyên truyền cần thiết. Hơn nữa, người làm tuyên truyền có thể chủ động lựa chọn loại tài liệu phù hợp trong số nhiều ấn phẩm có chất lượng đã được xuất bản.
Đầu tiên, cần căn cứ vào mục đích, đối tượng và nguồn tài liệu tuyên truyền pháp luật hiện có để lựa chọn tài liệu (sách, đặc san, tờ gấp, tờ rơi, đĩa CD, VCD… ) đưa lên mạng Internet.
Tiếp theo là, chuyển tài nội dung tài liệu từ dạng bản in sang dữ liệu điện tử (ví dụ, đối với ấn phẩm dạng bản in giấy thì dữ liệu điện tử có thể là bản đánh máy). Cần kiểm tra (nghe, đọc soát) để đảm bảo nội dung của dữ liệu điện tử giống nội dung của ấn phẩm đã xuất bản.
Sau khi đã lựa chọn được tài liệu, cần nghiên cứu cách thức đưa lên mạng như đưa dưới dạng file Word, file .RAR hoặc file .PDF… tùy thuộc vào dung lượng của tài liệu, tính năng kỹ thuật của trang Web… Đối với những tài liệu có dung lượng không lớn, có thể đưa dưới dạng đơn giản là file Word. Các file đính kèm dạng .RAR hoặc .PDF có thể sử dụng trong trường hợp tài liệu có dung lượng lớn, tuy nhiên cần có chương trình tương thích để xem, đọc.
Hiện nay, có thể tham khảo cách làm này qua địa chỉ của một số Website như Website của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (http://www.nciec.gov.vn); Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp (http://pbgdpl.moj.gov.vn/pbgdpl); Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (http://www.nclp.org.vn)….
2.5. Tổ chức giao lưu trực tuyến
Giao lưu trực tuyến là hình thức đối thoại qua mạng Internet, là dịp để những người tham gia bày tỏ, trao đổi những quan điểm của mình về những vấn đề cụ thể. Nội dung giao lưu trực tuyến về pháp luật thường là hỏi và trả lời các vấn đề liên quan đến pháp luật, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội nói chung và nhận thức về pháp luật nói riêng.
Hiện nay hình thức giao lưu trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Có rất nhiều báo điện tử tổ chức các diễn đàn để độc giả có cơ hội trao đổi với những nhân vật nổi tiếng, những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như báo Tuổi trẻ điện tử, báo Thanh niên điện tử, báo Vietnamnet… (Trên báo Vietnamnet, Tổ thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư đã có buổi giao lưu trực tuyến về việc thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư…) Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương như Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã tổ chức thành công hình thức đối thoại hiệu quả, tiện lợi này. (Đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với người dân qua Website Chính phủ, Báo Điện tử Đảng Cộng sản và Báo Điện tử Vietnamnet, diễn ra từ 9h00 đến 12h00, ngày 09/02/2007 với chủ đề: "Vì một Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hội nhập thành công, phát triển bền vững").
Để tổ chức tốt việc tuyên truyền pháp luật bằng hình thức giao lưu trực tuyến, chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến về pháp luật cần cụ thể, rõ ràng. Người tổ chức và người giải đáp các vướng mắc cần có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung vấn đề đặt ra, chú ý đến những vấn đề thời sự đang được nhiều người quan tâm. Bố trí hệ thống máy móc đảm bảo chất lượng và phân công đội ngũ nhân sự giúp việc, phục vụ tốt cho buổi giao lưu.
3. Các công việc cần tiến hành để thực hiện tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet: Cần xác định mục đích của việc tuyên truyền, những nội dung pháp luật sẽ tuyên truyền và thời gian tuyên truyền: việc tuyên truyền sẽ diễn ra lâu dài, định kỳ hay theo thời điểm (ví dụ như trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội tập trung tuyên truyền Luật bầu cử đại biểu quốc hội)… Mục đích tuyên truyền sẽ quyết định mức độ đầu tư, tính năng kỹ thuật cũng như nội dung pháp luật cần tuyên truyền… Vì vậy, đây là điều quan trọng cần xác định ngay từ đầu.
Xây dựng nội dung thông tin tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet: Bước này bao gồm các thao tác như thu thập thông tin, biên soạn tài liệu, cung cấp ảnh (nếu có). Nội dung thông tin càng phong phú càng hấp dẫn được độc giả. Thông tin nên được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa sinh động và cần được cập nhật thường xuyên để tạo tính mới cho trang web.
Thiết kế giao diện, hình thức trình bày: Một giao diện website được thiết kế khoa học, hợp lý sẽ thể hiện rõ được ý tưởng, mục đích của việc tuyên truyền pháp luật. 
Quảng bá giới thiệu địa chỉ tuyên truyền trên mạng Internet: Mục đích của công việc này là để nhiều người biết và truy cập vào trang web. Thực hiện việc quảng bá, giới thiệu website có thể dựa vào các kênh thông tin phổ biến như truyền hình, đài phát thanh, báo chí… hoặc tổ chức lễ khai trương giới thiệu rộng rãi địa chỉ trang web.
Cập nhật thông tin, duy trì việc tuyên truyền trên mạng Internet: Sau khi các bước trên được hoàn tất, để duy trì trang web và phát huy tác dụng trong tuyên truyền pháp luật đòi hỏi người làm phải cập nhật thông tin thường xuyên. Có thể nói đây là bước đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và chi phí lớn nhất. Vì thế, người làm tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet phải thực sự quan tâm đến công việc này. Trên thực tế, có rất nhiều trang web đã được xây dựng xong nhưng chỉ sau một thời gian hoạt động, do ít thông tin, thông tin không cập nhật thường xuyên nên đã không đạt được các mục đích đề ra ban đầu. Vì vậy, để thông tin được duy trì thường xuyên cần đầu tư thích đáng cả về nhân lực và vật lực; chú ý đến vấn đề phát triển đội ngũ cộng tác viên; đầu tư kinh phí thích đáng đảm bảo chi phí thu thập thông tin, nhuận bút, biên tập, cập nhật lên mạng Internet…
Một điểm cần lưu ý trong tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet là vấn đề an ninh thông tin. Thời gian qua, tình hình an ninh thông tin trên Internet diễn biến phức tạp. Theo khảo sát sơ bộ có tới 80% các trang tin điện tử còn nhiều sơ hở trong đảm bảo an ninh thông tin, nhiều hệ thống thông tin còn có khiếm khuyết chưa được cập nhật và quan tâm đúng mức nên đã gây ra những sự cố đáng tiếc ảnh hưởng tới các dịch vụ hành chính điện tử, thương mại điện tử và các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin khác. Vì vậy, khi thực hiện tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet cần lưu tâm đến vấn đề bảo mật thông tin, biện pháp phòng, chống sự xâm nhập của các đối tượng bên ngoài.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down