Thứ ba, 08/10/2024, 17:25

NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI HOÀ GIẢI

Thứ ba - 24/03/2020 05:36 4.976 0
I. MÔ HÌNH TỔ CHỨC, CÁCH THỨC THÀNH LẬP TỔ HOÀ GIẢI CƠ SỞ
2. Nguyên tắc và phạm vi hoà giải
2.1 Nguyên tắc hoà giải
Nguyên tắc hoà giải là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà khi tiến hành hoạt động hoà giải phải tuân thủ một cách đầy đủ, toàn diện và nghiêm túc. Các nguyên tắc này được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.
- Hoà giải phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân
Khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân nếu như người hoà giải chỉ căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, phong tục tập quán của địa phương, dòng họ để dàn xếp các mâu thuẫn, tranh chấp thì chưa đủ và không hiệu quả. Các vụ việc nếu chỉ dừng lại ở các quy phạm đạo đức để hoà giải thì chưa hẳn đã mang lại kết quả tích cực và thoả đáng. Một vụ việc chỉ được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả cao khi người hoà giải bên cạnh việc căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán còn cần phải nắm vững và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
Để thực hiện nguyên tắc này, tổ viên Tổ hoà giải phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Trước hết, cần nắm vững quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác hoà giải ở cơ sở như pháp luật dân sự (quan hệ tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế,...), pháp luật hôn nhân và gia đình (quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, quan hệ cha mẹ, con, nhận nuôi con nuôi, ly hôn, yêu cầu cấp dưỡng...), pháp luật về đất đai (quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất...), pháp luật hành chính và pháp luật hình sự...
Bên cạnh việc hoà giải theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoà giải viên cần phải kết hợp với các quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân. Pháp luật được thể hiện ở hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Phong tục, tập quán thường được thể hiện hoặc bằng ngôn ngữ như luật tục của đồng bào các dân tộc thiểu số, các hương ước, quy ước làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, tổ dân phố, hoặc bằng các thói quen ứng xử dưới dạng các hành động cụ thể. Phong tục, tập quán được áp dụng phải là phong tục tập quán tốt đẹp, không trái với pháp luật và quy tắc xây dựng nếp sống mới. Nếu phong tục, tập quán đã được quy định trong các hương ước, quy ước làng thì phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt thực hiện. Đối với các hủ tục, tập quán lỗi thời thì tuyệt đối không được vận dụng để hoà giải.
- Hoà giải phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hoà giải
Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoà giải ở cơ sở. Vì bản chất của hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận trên cơ sở tự nguyện. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên có tranh chấp trong việc giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ.
Người làm công tác hoà giải phải hiểu được tâm lý của những người đang có mâu thuẫn, tranh chấp, giữa họ ai cũng có những lý lẽ cho rằng mình đúng và không chấp nhận lý lẽ của bên kia. Do đó, khi hoà giải, tổ viên tổ hoà giải phải giúp họ bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận ra sự thật, thấy rõ cái đúng, cái sai của cả hai bên. Chỉ khi nào họ hiểu đúng đắn và thông cảm với nhau thì họ mới tự nguyện cùng nhau giải quyết mọi mâu thuẫn.
Tuy nhiên có những trường hợp, nếu tiến hành hoà giải các bên có thể chưa chấp nhận ngay thì tổ viên tổ hoà giải phải dùng phương pháp thuyết phục để hai bên đi đến thoả thuận mà không được tìm cách áp đặt.
Một trong những phương pháp để hai bên đi đến thoả thuận trong trường hợp họ không chấp nhận thì tổ viên tổ hoà giải phải nhờ đến sự trợ giúp của người đại diện chính quyền như công an hay đại diện của tổ chức xã hội để tạo nên một tâm lý nhất định đối với một hoặc các bên tranh chấp, để họ đồng ý chấp nhận việc hoà giải. Đương nhiên sự tác động tâm lý này không được mang tính ép buộc mà chỉ là sự hỗ trợ cho hoà giải viên thực hiện thành công việc hoà giải.
- Hoà giải phải khách quan, công minh, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng
Thông thường khi mâu thuẫn xảy ra, mỗi bên tranh chấp đều đưa ra lý lẽ để tự bảo vệ mình cho mình là đúng, không nhìn nhận được cái sai của mình đã gây ra cho người khác. Do đó người hoà giải phải thực sự khách quan, vô tư, công minh, đề cao lẽ phải, tìm cách thuyết phục để mỗi bên hiểu rõ sai trái, không xuề xòa “dĩ hoà vi quý” cho xong việc. Hơn nữa sự công minh, khách quan, vô tư của người hoà giải sẽ là yếu tố để hai bên đặt lòng tin và cùng nhau giải quyết vụ việc.
Nguyên tắc có lý có tình là một trong những nguyên tắc đặc trưng nhất đối với hoạt động hoà giải ở cơ sở so với loại hình hoà giải khác. Trong hoà giải ở cơ sở cần tuân theo các quy phạm đạo đức, đề cao yếu tố tình cảm, khuyên nhủ các bên ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức.  Tuy nhiên không chỉ áp dụng theo các quy phạm đạo đức nói chung, trong từng trường hợp cụ thể hoà giải viên cần phải hiểu và nắm vững các quy định của pháp luật để giải quyết sự việc và hướng dẫn các bên thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật.
Việc tuân thủ nguyên tắc này chính là sự bảo đảm đạt được mục đích của công tác hoà giải là giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Trong quá trình thực hiện hoà giải, tổ viên Tổ hoà giải phải giữ bí mật thông tin về đời tư của các bên tranh chấp. Khi đã được các bên tranh chấp tin tưởng và thổ lộ thông tin thầm kín về đời tư của mình cho hoà giải viên, thì hoà giải viên không được phép tiết lộ thông tin đó cho người khác. Song cũng cần phân biệt giữa bí mật thông tin đời tư cá nhân và thông tin bí mật của các bên tranh chấp về hành vi bất hợp pháp mà họ đã thực hiện.
Bên cạnh đó, hoà giải phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Nguyên tắc này mang tính pháp lý cao và thường được áp dụng cho mọi loại hình hoà giải các tranh chấp kể cả việc hoà giải được thực hiện bởi Toà án và tổ chức trọng tài. Đối với hoà giải  ở cơ sở, các tranh chấp, xích mích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày liên quan đến sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường… thường liên quan đến nhiều người khác ngoài các bên tranh chấp, do đó Tổ hoà giải không thể vì mục đích đạt được hoà giải thành mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Việc hoà giải phải tuân thủ nguyên tắc không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
 - Hoà giải phải kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải
Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày có thể xảy ra những va chạm, xích mích, tranh chấp nhỏ giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc, xóm giềng, bạn bè… với nhau mà nếu không được giải quyết kịp thời, có lý, có tình thì có thể từ những va chạm, xích mích, mâu thuẫn nhỏ sẽ dễ trở thành những mâu thuẫn lớn. Từ những tranh chấp, mâu thuẫn trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình có thể chuyển thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến trật tự chung. Vì vậy, các hoà giải viên cần chủ động, kịp thời ngăn chặn hậu quả xấu, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự có thể xảy ra để giữ gìn được tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, tập thể.
Để tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc kịp thời, chủ động trong hoạt động hoà giải ở cơ sở, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở thì tổ viên tổ hoà giải có thể chủ động hoà giải hoặc tổ chức việc hoà giải theo sáng kiến của mình (khoản 1 Điều 10). Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định: “Việc hoà giải có thể được tiến hành theo sáng kiến của tổ viên Tổ hoà giải ngay tại thời điểm xảy ra tranh chấp, nếu tổ viên Tổ hoà giải là người chứng kiến và xét thấy cần thiết phải hoà giải ngay” (khoản 1 Điều 13).
Khác với các loại hình hoà giải khác, pháp luật không quy định thời hạn tiến hành việc hoà giải một tranh chấp do tổ hoà giải thực hiện. Điều 16 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định: “Việc hoà giải được kết thúc khi các bên đã đạt được thoả thuận và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó”. Quy định này thể hiện một trong các đặc điểm của thực tiễn hoạt động công tác hoà giải ở cơ sở là có nhiều việc tranh chấp trong cộng đồng dân cư đòi hỏi tổ viên tổ hoà giải phải kiên trì việc hoà giải. Người hoà giải đến gặp gỡ từng bên để lắng nghe, thuyết phục rồi sau đó tổ chức cho các bên trực tiếp gặp nhau ở một nơi thuận tiện, giúp họ thông cảm với nhau. Cuộc gặp gỡ phải tránh biến thành cuộc đối chất giữa hai bên trong bầu không khí căng thẳng. Sau khi tìm hiểu đầy đủ sự việc, lắng nghe ý kiến của các bên, người hoà giải phải bằng tất cả sự cảm thông, khéo léo phân tích, thuyết phục cho các bên đạt tới thoả thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức, tập quán tốt đẹp của nhân dân và cùng nhau thực hiện những thoả thuận đó.                                                                                                                                                                     
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            
2.2 Phạm vi hoà giải
- Những vụ việc được hoà giải
Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP thì hoà giải được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, gồm:
+  Mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung....
+  Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp phát sinh từ  các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế quyền sử dụng đất.
Tổ hoà giải chỉ hoà giải các tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự là tranh chấp nhỏ. Căn cứ để coi tranh chấp này là tranh chấp nhỏ không nhất thiết dựa vào giá trị tranh chấp. Có những trường hợp tuy giá trị tranh chấp tương đối lớn, nhưng vẫn có thể hoà giải được vì tình tiết sự việc đơn giản, rõ ràng, không đòi hỏi người giải quyết tranh chấp phải có kiến thức chuyên môn và trình độ pháp lý cao; mức độ mâu thuẫn không quá gay gắt, có thể thuyết phục được các bên tranh chấp thoả thuận mà không trái với các nguyên tắc do pháp luật quy định.
+ Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân gia đình như: thực hiện quyền và nghĩa vụ vợ chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng.
Khi hoà giải những vụ việc này, tổ viên tổ hoà giải không được xem xét giải quyết những vụ việc mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước như: chấm dứt nuôi con nuôi; truy nhận cha, mẹ cho con ngoài giá thú; phân xử việc ly hôn (cho ly hôn); ép buộc thực hiện các việc mà Luật hôn nhân và gia đình cấm.
+ Tranh chấp phát sinh từ  vi phạm pháp luật mà theo quy định những vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hành chính như trộm cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ.
Như vậy, việc hoà giải được tiến hành đối với các tranh chấp phát sinh từ những vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những vi phạm đó chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hành chính  hoặc biện pháp hình sự. Đó là những vi phạm pháp luật nhỏ, nghĩa là vi phạm pháp luật thuộc loại này có thể có các yếu tố cấu thành tội song chưa tới mức nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi gây ra là chưa đáng kể, ví dụ: hành vi ăn trộm con gà, buồng chuối… hay hành vi đánh nhau gây thương tích nhẹ…
- Những vụ việc không được hoà giải
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 160/1999/Nđ-Cp thì tổ hoà giải không được tiến hành hoà giải các vụ việc sau:
Thứ nhất, các tội phạm hình sự
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Các tội phạm hình sự cụ thể được quy định tại phần các tội phạm (từ Chương XI đến Chương XXIV) của Bộ luật hình sự năm 1999.
Riêng đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát hoặc Toà án không tiếp tục tiến hành việc tố tụng và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi cố ý như: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì có thể hoà giải.
Thứ hai, hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính gồm:
- Hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính;
- Hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính như: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính.
Thứ ba, Các vi phạm pháp luật và tranh chấp mà theo quy định của pháp luật không được hoà giải quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở bao gồm:
- Kết hôn trái pháp luật: kết hôn trái pháp luật là những trường hợp như: tảo hôn (nam dưới 20 tuổi, nữ dưới 18 tuổi); việc kết hôn bị ép buộc, cưỡng ép, vi phạm nguyên tắc tự nguyện; việc kết hôn thuộc một trong những trường hợp Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm kết hôn như: đang có vợ hoặc có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi...
- Gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước: người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì xử lý bằng biện pháp hình sự, không tiến hành hoà giải.
- Tranh chấp phát sinh từ giao dịch trái pháp luật là giao dịch vi phạm một trong những điều kiện sau:
+ Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch đó. Năng lực hành vi dân sự (là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình để xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự). Theo pháp luật dân sự, người chưa đủ 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự, người thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) nhưng mất năng lực hành vi dân sự như người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
+ Mục đích và nội dung của giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức xã hội;
+ Người tham gia giao dịch không hoàn toàn tự nguyện, bị lừa dối hoặc cưỡng ép;
+ Hình thức giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật .
Do đó, các tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự trái pháp luật là những giao dịch mà mục đích và nội dung là trái pháp luật, trái đạo đức xã hội như giao dịch mua bán thuốc phiện, ma tuý, mại dâm…; hình thức giao dịch dân sự không phù hợp pháp luật như việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ thực hiện bằng lời nói, bằng miệng, trong khi pháp luật quy định phải làm bằng văn bản.
- Tranh chấp về lao động
Đó là những tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và trong quá trình học nghề. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp tập thể giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm: Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện và Toà án nhân dân. Cơ quan tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể gồm Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp tỉnh và Toà án nhân dân.
Tranh chấp lao động không thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ hoà giải cơ sở ở thôn, xóm, làng, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down