Bà A và ông B có hai người con. Người con cả bị khuyết tật đang ở chung với ông bà, người con thứ 2 là chị C đã lấy chồng và có 02 con nhỏ. Năm 2020, ông A chết không để lại di chúc, bà A cho thuê một phần căn nhà thuộc sở hữu của vợ chồng bà được 12.000.000 đồng/tháng để lấy tiền sinh hoạt. Khi cho thuê nhà, bà A thống nhất với chị C sẽ đưa chị 6.000.000 đồng/tháng từ tiền thuê nhà. Đến năm 2022, bà A thấy số tiền 6.000.000 đồng không đủ để lo cho bà và người con gái đang bị khuyết tật, nên bàn bạc với chị C sẽ đưa cho chị 4.000.000 đồng từ tiền cho thuê nhà. Chị C không đồng ý với quyết định của mẹ và đòi chia thừa kế nên hai mẹ con mâu thuẫn. Bà A đã nhờ Tổ hòa giải can thiệp, giúp đỡ.
Nhận được đề nghị hòa giải của bà A, Tổ hòa giải đã tìm hiểu và mời các bên đến nhà bà A để hòa giải. Sau khi nghe bà A và chị C trình bày lý do dẫn đến bất hòa, bác An, Tổ trưởng Tổ hòa giải đã giải thích cho chị C hiểu rõ hơn bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, hơn nữa bà A đã già yếu lại nuôi một người con khuyết tật. Theo đó, chị C phải là người có trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già. Cũng may, bố mẹ chị C còn có căn nhà để lại cho thuê, kinh tế đỡ vất vả, chị C phải thấy đây là sự may mắn đối với bản thân. Việc đòi chia tài sản thừa kế với mẹ khi bố mất đi, mẹ và chị cả đang ở trong ngôi nhà đó là không phù hợp với truyền thống văn hóa, phận làm con.
Đối chiếu quy định pháp luật, ngôi nhà là tài sản chung của bà A và ông B. Do ông B không có di chúc nên ngôi nhà đang tranh chấp nếu chia theo thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Bà A có 50% giá trị của tài sản đó, 50% giá trị còn lại thuộc về di sản của ông B sẽ được chia đều cho 03 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là bà A, người con bị khuyết tật và chị C. Như vậy, nếu chia theo pháp luật thì chị C cũng chỉ được phần ít, bà A trích tiền thuê nhà hàng tháng cho chị 4 triệu là hoàn toàn phù hợp với quyền lợi mà chị C được hưởng, chị đừng nên đòi hỏi thêm nữa.
Từ những giải thích và phân tích của Tổ trưởng Tổ hòa giải, chị C đã hiểu được đạo lý làm con cũng như quy định pháp luật. Sau khi vụ việc hòa giải thành, Tổ hòa giải tiến hành lập biên bản hòa giải thành, kết thúc vụ việc hòa giải.
Ý kiến bạn đọc