Thứ bảy, 21/12/2024, 09:19

Quy định về hòa giải tranh chấp đất đai

Thứ năm - 02/03/2023 22:12 4.577 0
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Hòa giải tranh chấp đất đai hòa giải tranh chấp đất đai là biện pháp giải quyết tranh chấp về đất đai giữa những người sử dụng đất với nhau hoặc người sử dụng đất với nhà nước để làm hạn chế, chấm dứt các xích mích, mâu thuẫn và đi đến sự thống nhất ý chí bằng việc các bên thương lượng hoặc qua một bên thứ ba trung gian. Trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật quy định, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tiếp theo, cụ thể:

1.Đối với vụ việc tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã, biên bản hòa giải là căn cứ để UBND cấp trên hoặc Tòa án thụ lý, giải quyết theo điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
2. Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án. Do đó, việc hòa giải tại UBND cấp xã là không bắt buộc, các bên tranh chấp vẫn có quyền khởi kiện, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở” . Thông qua hòa giải ở cơ sở, được Hòa giải viên hướng dẫn, tư vấn về pháp luật, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận, tự giải quyết, chấm dứt tranh chấp và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận sự thảo thuận đó.

3.Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai

- Tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố nơi có đất tranh chấp có thẩm quyền hòa giải. Trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố đó phối hợp thực hiện việc hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện.

- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác

4.Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai

- Đối với hòa giải ở cơ sở: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

- Đối với hòa giải tại UBND cấp xã: Theo khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

5.Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai

- Đối với hòa giải ở cơ sở: Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành.

- Đối với hòa giải tại UBND cấp xã: Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai phải có các nội dung sau:

+ Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải;

+ Thành phần tham dự hòa giải;

+ Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu);

+ Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;

+ Những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

- Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã

- Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

- Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. (Theo quy định tại Khoản 4 Điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)
6.
Các bước tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai

Bước 1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

- Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

- Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.

- Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Bước 2: Lập biên bản hòa giải thành hoặc biên bản hòa giải không thành

- Trường hợp hòa giải thành: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành. Nòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.

- Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo ( theo quy định tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down