Thứ ba, 14/01/2025, 23:20

Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở nhằm góp phần làm giảm các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 10/01/2024 03:21 394 0
Hòa giải ở cơ sở là "cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải theo quy định của pháp luật, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.
Thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, hoạt động hòa giải ở cơ sở dần đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.

Công tác củng cố, kiện toàn thành viên tổ hòa giải được thực hiện kịp thời, luôn tạo điều kiện cho các thành viên của mình tham gia tích cực vào công tác hòa giải, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động, nhất là trong giải quyết các tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân. Từ đó, việc khiếu kiện vượt cấp không xảy ra, tình hình an ninh chính trị ổn định, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng được đẩy mạnh và có hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải được củng cố, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 956 tổ hòa giải với 5.236 hòa giải viên, qua đó bảo đảm thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước. Thành phần tổ hòa giải bảo đảm theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hoạt động hòa giải ở cơ sở lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, giữ được tình làng, nghĩa xóm và tình cảm gia đình, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp và các vụ kiện đưa ra xét xử tại Tòa án.
Hằng năm, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023. Qua hoạt động kiểm tra đã đánh giá thực chất kết quả, khẳng định những cách làm hay, hiệu quả, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, tìm nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành.
Kết quả, trong năm 2023, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.491 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.314 vụ (đạt tỷ lệ 88%), hòa giải không thành 161 vụ, số vụ việc chưa giải quyết xong: 16 vụ.

Có thể nói công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối đoàn kết, ổn định tình hình xã hội ở cơ sở, làm giảm các loại tội phạm phát sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên thì công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Đa số các vụ việc hòa giải thành là các mâu thuẫn nhỏ liên quan đến hôn nhân gia đình, các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống sinh hoạt giữa hàng xóm, láng giềng; chưa hòa giải thành các mâu thuẫn phức tạp.

- Sự tham gia của các luật sư, luật gia, người có kiến thức chuyên sâu về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, việc hòa giải chủ yếu dựa vào mối quan hệ, uy tín của hòa giải viên.

- Một số địa phương việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn hạn chế; việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng, cung cấp tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên chưa thường xuyên; việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này; từ đó ưu tiên sử dụng hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn; chỉ đạo UBND cấp xã quan tâm bố trí kinh phí, đảm bảo các điều kiện cho công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các tổ hòa giải trong việc xác định các mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải; thực hiện việc thống kê, báo cáo đầy đủ, chính xác hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, công an xã, thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; huy động tối đa các tuyên truyền viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và tòa án nhân dân các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị, lực lượng công an ở cơ sở trong thực hiện các vụ việc hòa giải.

- Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tình huống mẫu trong hòa giải ở cơ sở để đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tham khảo, vận dụng./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down