Tình huống1
Vừa qua, anh Nghĩa và chị Oanh cùng ra Phòng Công chứng để công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô, tuy nhiên, sau đó điều kiện kinh tế của anh Nghĩa (bên mua) đột nhiên gặp khó khăn, anh Nghĩa và chị Oanh thoả thuận, thống nhất huỷ không thực hiện hợp đồng mua bán xe máy nữa. Hỏi, pháp luật có cho phép huỷ bỏ Hợp đồng, giao dịch đã được công chứng không?
Trả lời:
Điều 51 Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch, như sau:
“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này”.
Như vậy, căn cứ khoản 1, Điều 51 Luật Công chứng 2014 thì pháp luật cho phép được huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng khi các bên cùng thoả thuận, thống nhất, cam kết bằng văn bản huỷ hợp đồng.
Tình huống 2
Anh Sơn và anh Tùng công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang. Nay anh Sơn muốn có thêm 02 bản sao công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô thì có được cấp không? Và đơn vị nào có thẩm quyền cấp?
Trả lời:
Điều 65 Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc cấp bản sao văn bản công chứng như sau:
“1. Việc cấp bản sao văn bản công chứng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật này;
b) Theo yêu cầu của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
2. Việc cấp bản sao văn bản công chứng do tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ bản chính văn bản công chứng đó thực hiện”.
Căn cứ quy định nêu trên, anh Sơn có quyền được xin cấp bản sao văn bản công chứng và Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang (tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ bản chính văn bản công chứng) sẽ là đơn vị cấp bản sao công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô cho anh Sơn.
Tình huống 3
Anh Hùng và chị Hiếu kết hôn được một năm, trước khi chưa kết hôn, anh Hùng đã đồng ý để chị Hiếu vẫn theo đạo của chị là đạo Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, vì lấy lý do mình là con trai trưởng trong gia đình, phải thờ cúng ông bà, tổ tiên nên anh Hùng đã ép chị Hiếu bỏ đạo để theo chồng. Chị Hiếu không đồng ý nên hai anh chị cãi vã dẫn đến mâu thuẫn. Bà Huyền là hàng xóm cũng là Tổ trưởng tổ hoà giải muốn biết pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này để đến hoà giải cho gia đình anh Hùng chị Hiếu?
Trả lời:
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:
“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng, như sau:
“Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau”.
Điều 6 Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như sau:
“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 nêu trên”.
Như vậy, chị Huyền căn cứ quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013, Điều 6 Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình để khuyên giải hành vi của anh Hùng ép chị Hiếu từ bỏ tín ngưỡng, tôn giáo của mình là sai, thuyết phục để anh Hùng hiểu vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. Việc chị Hiếu theo đạo giáo không ảnh hưởng đến nghĩa vụ làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Chị Hiếu vẫn thực hiện trách nhiệm cùng chồng thờ cúng tổ tiên; các dịp lễ tết thực hiện các nghi lễ cúng bái, thắp hương gia tiên đầy đủ.
Ý kiến bạn đọc