Tình huống 1: Là cô bé ham chơi, lười lao động lại thích ăn chơi, hưởng thụ, T đã nghe bạn xấu rủ rê vào con đường bán thân nuôi miệng. Bố mẹ nhiều lần khuyên can, thậm chí đã có lần bắt nhốt T trong nhà để ngăn cản T nhưng T vẫn chứng nào tật ấy. Quá buồn vì không giáo dục được T, gia đình T tuyên bố từ con. Xin cho biết trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống mại dâm nói chung và trách nhiệm của gia đình có người bán dâm nói riêng được pháp luật quy định như thế nào ?
Gợi ý trả lời:
Điều 13 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và Khoản 1 Điều 9 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống mại dâm nói chung như sau:
Gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên của gia đình về lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hoá; phối hợp với cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương trong việc giáo dục, quản lý thành viên của gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Đồng thời, mỗi gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên trong gia đình về các nội dung:
+ Xây dựng gia đình hoà thuận, sống chung thuỷ lành mạnh;
+ Tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình mình về phòng, chống mại dâm;
+ Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;
+ Phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành quản lý, giáo dục người có hành vi mua dâm, bán dâm ở tại địa phương.
Ngoài trách nhiệm nêu trên, gia đình có người bán dâm còn có trách nhiệm:
+ Quản lý, giúp đỡ, chăm sóc người bán dâm được giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo sự hướng dẫn, giám sát của tổ chức, cá nhân được phân công giúp đỡ và của chính quyền cơ sở;
+ Quản lý, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người bán dâm tái phạm hoặc có hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội;
+ Động viên, giúp người bán dâm xoá bỏ mặc cảm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Tình huống 2: Nhà hàng karaoke S mới mở cửa được gần 1 năm nhưng đã rất nổi tiếng và đông khách vì ngoài việc phục vụ khách đến ca hát, chủ nhà hàng còn bố trí các tiếp viên phục vụ khách hàng từ A đến Z, thậm chí sẵn sàng “đi tới bến” khi khách có nhu cầu. Xin hỏi, việc nhà hàng S lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mại dâm sẽ bị xử lý như thế nào?
Gợi ý trả lời;
Theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm bị xử lý như sau:
Cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm thì bị phạt tiền và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tịch thu tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hoạt động mại dâm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Việc xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mại dâm được quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
“Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Nhà hàng S đã sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh. Căn cứ quy định trên, nhà hàng S sẽ bị xử lý như sau:
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
+ Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng.
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Tình huống 3: Qua báo chí, tôi thấy có thông tin ông M, một cán bộ của một Sở T có hành vi mua dâm bị phát hiện. Tôi muốn hỏi, việc xử lý đối với cán bộ hay công chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm có khác với người dân không? Pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm?
Gợi ý trả lời:
Việc xử lý đối với cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được quy định tại Điều 27 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm như sau:
- Người có hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (mua dâm; bán dâm; có hành vi liên quan đến mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội dung và hình thức khiêu dâm…) là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định chung còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật.
- Cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì trong thời gian bị xử lý kỷ luật không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Quy định chi tiết hơn về nội dung này, Điều 22 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP chỉ rõ:
- Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì ngoài việc bị phạt tiền như quy định còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để xử lý kỷ luật.
- Các cơ quan chức năng khi phát hiện người có hành vi vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì phải thông báo ngay cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi vi phạm thì phải thông báo cho người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để xem xét và quyết định hình thức kỷ luật.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của người có hành vi vi phạm phải thực hiện việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm và tổ chức quản lý, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn người đó tái phạm.
Người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệnh kỷ luật của lực lượng vũ trang.
Tình huống 4: Nghĩ rằng ông Lâm - người có nhà ngay sát bên cạnh cơ sở kinh doanh dịch vụ massage đã báo với chính quyền địa phương về hoạt động mại dâm của cơ sở mình, chủ cơ sở đã thuê những kẻ đầu gấu, bảo kê mại dâm đến đập phá đồ đạc trong nhà ông Lâm và đánh cảnh cáo ông với lý do ông đã cản trở việc làm ăn của họ. Xin hỏi Nhà nước có chế độ thế nào đối với người phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm? Trường hợp người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm bị thiệt hại tài sản thì được đền bù như thế nào?
Gợi ý trả lời :
Chế độ của nhà nước đối với người phát hiện, tố giác đấu tranh phòng, chống mại dâm được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm:
Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm được bảo vệ và giữ bí mật; trường hợp bị thiệt hại tài sản thì được đền bù; nếu bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 13 Nghị định 178/2004/NĐ-CP cũng quy định trường hợp người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm nếu bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù giá trị tài sản bị thiệt hại.
Kinh phí đền bù cho người bị thiệt hại về tài sản do ngân sách địa phương đảm bảo.
Tình huống 5: Chị X mở một cửa hàng Spa chăm sóc sức khỏe – do chị đứng tên chủ cơ sở, trong đó có kinh doanh dịch vụ mát xa hơi cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, do chị X không quản lý chặt chẽ nên đã để một số nhân viên mát xa mồi chài khách mua bán dâm ngay tại chỗ làm việc. Vụ việc xảy ra được gần hai tháng thì bị công an phát hiện. Xin hỏi, chị X – chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật?
Gợi ý trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra ở cơ sở do mình quản lý thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chị X do thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra ở cơ sở do mình quản lý thì sẽ bị xử phạt hành chính (trường hợp này chưa có hậu quả nghiêm trọng).
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
“Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, Chị X bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
+ Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng
Ý kiến bạn đọc