Thứ bảy, 27/04/2024, 12:37
hoagiaiocoso

Thẩm quyền xử phạt hành vi gây cản trở việc sử dụng đất của người khác

Thứ hai - 07/08/2023 04:43 734 0

Gia đình hàng xóm đào bới, xây tường rào gây cản trở cho việc sử dụng đất của gia đình tôi. Tôi đã báo lên UBND phường thì cả 2 gia đình được mời lên hòa giải, khắc phục. Tại buổi làm việc, cán bộ tư pháp của Phường thông báo gia đình nhà hàng xóm có thể bị Chủ tịch UBND phường quyết định phạt tiền đến 5 triệu đồng.

Xin hỏi các anh chị, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND đối với vi phạm của gia đình hàng xóm nhà tôi được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời

Một trong những nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 là: “Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

Như vậy, mức phạt tiền cao nhất mà người có hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác đối với cá nhân là 10 triệu đồng, đối với tổ chức là 20 triệu đồng. Bởi vì, đối tượng áp dụng mức phạt tiền được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định này. Cụ thể:

“a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức”.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Điều 38 của Nghị định này, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định:

“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này”. 

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 6 của Nghị định này, “thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 38 và Điều 39 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó”.

Như đã nêu ở trên, mức phạt tiền cao nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cản trở việc sử dụng đất của người khác, nếu cá nhân là 10 triệu đồng, còn với tổ chức là 20 triệu đồng.

Cho nên, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác), Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt. Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này. Lý do, theo khoản 2 Điều 6 và khoản 1 Điều 38 nêu trên, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và 10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay13,469
  • Tháng hiện tại373,713
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,394,099
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down