Thứ bảy, 27/04/2024, 13:44
hoagiaiocoso

05 tình huống pháp luật về hình sự

Thứ tư - 27/09/2023 11:07 1.799 0

Tình huống 1. Cháu tôi năm nay 15 tuổi, do ham mê chơi điện tử và muốn có tiền để chơi, cháu tôi đã trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Gia đình và bản thân cháu tôi đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho người bị hại và cũng chưa gây ra thiệt hại lớn. Trong trường hợp này, cháu tôi có thể được Tòa án áp dụng hình phạt cảnh cáo hay không?

Gợi ý trả lời:

Trong hệ thống hình phạt quy định đối với người chưa thành niên phạm tội thì cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất. Thông qua việc khiển trách công khai của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội, cảnh cáo có khả năng tác động đến ý thức của họ, giáo dục và răn đe họ không phạm tội mới. Tuy nhiên do tính ít nghiêm khắc của cảnh cáo, hình phạt này chỉ áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

BLHS năm 2015 quy định tội ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, theo đó người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho người bị hại và hành vi phạm tội chưa gây ra thiệt hại lớn là những tình tiết giảm nhẹ.

Như vậy, cháu bạn phạm tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Tòa án có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo.  

Tình huống 2. M bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 và tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173. Cả hai tội phạm bị truy cứu TNHS đều có khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khi thực hiện hành vi phạm tội, M mới 17 tuổi. Nếu áp dụng hình phạt đối với M thì hình phạt chung cho cả 2 tội danh nêu trên đối với M được quy định như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Theo Điều 103 BLHS năm 2015, “Khi xét xử cùng một lần người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 BLHS. Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội”.

Cũng theo Điều 55 BLHS năm 2015: Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt. Đối với hình phạt chính, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên khi quy định áp dụng hình phạt chung cho M đối với 02 tội danh mà M bị truy cứu TNHS là tội cố ý gây thương tích và tội trộm cắp tài sản là cải tạo không giam giữ, mức hình phạt tối đa không quá 03 năm.

Tình huống 3. Do bị kẻ xấu xúi giục, lại nhẹ dạ, cả tin, con tôi đã bị truy cứu TNHS về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 250 BLHS năm 2015 (khi thực hiện hành vi phạm tội cháu 17 tuổi) và Tòa án tuyên mức phạt tù 24 tháng. Tôi được biết Nhà nước ta có chính sách về tha tù trước hạn cho người phạm tội nhưng tôi chưa rõ cần đáp ứng điều kiện gì để được hưởng chính sách này?

Gợi ý trả lời:

Theo Điều 106 BLHS năm 2015, người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Phạm tội lần đầu; (ii) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; (iii)  Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù; (iv) Có nơi cư trú rõ ràng.

Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện như sau:

- Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù

- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.

- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Quy định mới về tha tù trước thời hạn có điều kiện thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta, khắc phục những bất cập trong chính sách đặc xá, giảm gánh nặng cho công tác thi hành án phạt tù hiện nay nhưng vẫn bảo đảm được sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không làm thay đổi mục đích của hình phạt là giáo dục và trừng trị hành vi phạm tội.

Tình huống 4. Thông qua những kẻ môi giới mại dâm, 3 đại gia Trần X (48 tuổi), Vũ Y (55 tuổi) và Nguyễn (56 tuổi) đã có hành vi mua dâm người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi). Trong trường hợp này, hình phạt mà Tòa án có thể áp dụng với tội này là như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trần X, Vũ Y và Nguyễn T đã có hành vi mua dâm người chưa thành niên là hành vi cấu thành tội mua dâm người dưới 18 tuổi quy định theo Điều 329 BLHS năm 2015. Hành vi mua dâm người dưới 18 tuổi là hành vi thỏa thuận tiền bạc hoặc các lợi ích vật chất khác trả cho người dưới 18 để họ đồng ý cho thực hiện hành vi giao cấu với họ. Người chưa thành niên bị mua dâm là những người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi. Tội này có 3 khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Căn cứ vào kết quả điều tra hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân người phạm tội và và các vấn đề có liên quan của Trần X, Vũ Y và Nguyễn T để Tòa án xác định khung hình phạt, cụ thể như sau:

- Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với trường hợp người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

-  Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: a) Mua dâm 02 lần trở lên; b) Mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

-  Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: a) Phạm tội 02 lần trở lên đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

 Ngoài áp dụng hình phạt chính, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tình huống 5Trong buổi trực ban, khi đi tuần tra, qua nhà kho của hợp tác xã, anh Q (dân quân xã) phát hiện một người đàn ông lạ mặt có hành vi lén lút, tay ôm một bọc to. Nghi là kẻ trộm, anh hô người đàn ông đứng lại, nhưng người đó vẫn rảo bước, rồi bất ngờ bỏ chạy. Thấy vậy, anh Q liền lấy súng bắn vào chân người đàn ông làm anh ta ngã xuống, kết quả giám định thương tích 40%. Trong trường hợp này, anh Q có phạm tội không và mức hình phạt quy định như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Hành vi của anh Q có thể phạm vào tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ theo Điều 137 BLHS năm 2015. Theo đó, người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Như vậy, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm này thì  anh Q có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay13,677
  • Tháng hiện tại374,272
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,394,658
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down