Thứ bảy, 21/12/2024, 09:46

10 Tình huống pháp về công chứng, chứng thực, lý lịch tư pháp, hộ tịch

Thứ tư - 04/10/2023 11:04 1.811 0

Tình huống 1. Tôi muốn đề nghị cấp bản sao trích lục kết hôn, nhưng tôi không nhớ số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn. Vậy, để cơ quan đăng ký hộ tịch có cơ sở tra cứu, tôi có thể cung cấp thông tin khác không?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến thì:

- Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết gồm: tên giấy tờ hộ tịch; số, ngày, tháng, năm đăng ký, cơ quan đã đăng ký việc hộ tịch.

- Trường hợp không cung cấp được đầy đủ các thông tin nêu trên, thì người yêu cầu phải cung cấp được thông tin cơ bản trong giấy tờ hộ tịch đã đăng ký để có cơ sở tra cứu.

Ví dụ:

+ Đề nghị cấp bản sao Trích lục kết hôn nhưng không cung cấp được số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn thì phải cung cấp được các thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của vợ và chồng.

+ Đề nghị cấp bản sao Giấy khai sinh nhưng không cung cấp được số Giấy khai sinh, ngày, tháng, năm đăng ký khai sinh thì phải cung cấp được họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của người được khai sinh; họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cha, mẹ người được khai sinh.

- Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh không cung cấp đầy đủ hoặc cung cấp các thông tin không chính xác, không thể tra cứu được thông tin thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn đề nghị cấp bản sao Trích lục kết hôn nhưng không cung cấp được số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn thì phải cung cấp được các thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của vợ và chồng để có cơ sở tra cứu.

Tình huống 2. Vừa rồi, tôi và chồng cũ nộp đơn đề nghị ly hôn và đã nhận được quyết định của Tòa án. Vậy, xin hỏi, tôi có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác nhận thông tin về nội dung đăng ký hộ tịch đã có sự thay đổi không?

 Gợi ý trả lời:

    Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 8 Thông tư 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến thì:

    Cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền theo quy định căn cứ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch cấp văn bản xác nhận thông tin hộ tịch cho cá nhân có yêu cầu xác nhận thông tin về một việc hộ tịch của cá nhân đã đăng ký, nhưng nội dung đăng ký đã có sự thay đổi do được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc, ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Ví dụ: - Xác nhận thông tin về việc kết hôn mà cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền đã cho phép thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm, tên, cải chính năm sinh của người vợ hoặc người chồng hoặc hai vợ chồng đã ly hôn.

    - Xác nhận thông tin khai sinh của một cá nhân đã được xác định lại dân tộc hoặc được thôi quốc tịch Việt Nam.

    Nếu thông tin hộ tịch của cá nhân không có sự thay đổi thì cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch không cấp văn bản xác nhận thông tin hộ tịch, hướng dẫn người yêu cầu làm thủ tục cấp bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao trích lục hộ tịch tương ứng, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp văn bản xác nhận để giải quyết vụ việc liên quan đến cá nhân.

    Như vậy, bạn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác nhận thông tin về việc đã ly hôn.

Tình huống 3. Tôi nghe báo đài đưa tin, từ nay có thể sử dụng Giấy khai sinh, Chứng nhận kết hôn bản điện tử. Xin hỏi, giá trị pháp lý của bản điện tử Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn?

Gợi ý trả lời:

Ngày 04/01/2022, biểu mẫu điện tử của giấy tờ hộ tịch đã chính thức được Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BTP được bổ sung bởi Thông tư 03/2023/TT-BTP của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 02/8/2023.

Khoản 2 Điều 9 của Thông tư 01/2022/TT-BTP quy định giá trị pháp lý của bản điện tử Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị sử dụng như bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Như vậy, theo tinh thần của Thông 01/2022/TT-BTP, thay vì sử dụng Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận bản giấy như trước đây, từ ngày 18/02/2022, người dân có thể sử dụng Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn bản điện tử.

Điều đặc biệt của bản điện tử Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn là có mã Qrcode - mã này là địa chỉ internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Nghĩa là, khi xuất trình Giấy khai sinh, Giấy chứng nhậný kết hôn bản điện tử, cán bộ làm thủ tục hành chính sẽ quét mã QR trên đó và biết được các thông tin chi tiết của các loại giấy tờ này trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Mã QR cũng giúp kiểm tra tính chính xác và thời hạn sử dụng của các loại giấy tờ này.

Đáng chú ý, tại khoản 6 Điều 12 của Nghị định 87/2020/NĐ-CP, Chính phủ quy định: “...cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chấp nhận, sử dụng, không được yêu cầu cá nhận phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ hộ tịch để đối chiếu”.

Tóm lại, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn bản điện tử được sử dụng thay thế cho bản giấy và không bắt buộc phải xuất trình bản giấy để đối chiếu.

Tình huống 4. Trong bản sao Giấy khai sinh của A cấp năm 1985 ghi họ tên cha là Phạm Văn T, sinh năm 1965, quốc tịch Việt Nam. Nhưng hiện nay người cha đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhập quốc tịch Pháp, thay đổi họ tên là Jonny Pham. Vậy, khi đăng ký lại khai sinh cho Nguyễn Văn A, phần khai về người cha trong Giấy khai sinh được ghi như thế nào?

  Gợi ý trả lời:

 Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Tại thời điểm đăng ký lại khai sinh, nếu thông tin về cha, mẹ và của bản thân người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có thay đổi so với nội dung giấy tờ tại khoản 1 Điều này, thì người đó có trách nhiệm xuất trình giấy tờ hợp lệ chứng minh việc thay đổi. Nếu việc thay đổi thông tin là phù hợp với quy định pháp luật thì nội dung đăng ký lại khai sinh được xác định theo thông tin thay đổi; nội dung thông tin trước khi thay đổi được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong Sổ đăng ký khai sinh…”

Theo đó, khi đăng ký lại khai sinh, phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của A được ghi như sau:

“Họ tên cha: Jonny Pham, sinh năm 1965, quốc tịch Pháp”.

“Phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này” tại mặt sau của Giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong Sổ đăng ký khai sinh ghi rõ: Người cha thay đổi họ tên và quốc tịch từ Phạm Văn T, quốc tịch Việt Nam, thành Jonny Pham, quốc tịch Pháp.

Tình huống 5. Anh H và chị T cùng thường trú trên địa bàn cấp xã. Qua thời gian tìm hiểu hai anh chị quyết định đi đến hôn nhân.  Nay, anh chị muốn đi đăng ký kết hôn, tuy nhiên anh H bị khuyết tật 1 chân đi lại khó khăn. Xin hỏi, trong trường hợp này, anh H và chị T có thể được đăng ký kết hôn lưu động không?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 24 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì các trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn lưu động gồm:

  • Trường hợp trẻ em sinh ra mà cha mẹ bị khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký khai sinh cho con; cha mẹ bị bắt, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù mà không còn ông bà nội, ngoại và người thân thích khác hoặc những người này không thể đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đăng ký khai sinh lưu động.
  • Trường hợp người chết không có người thân thích, người thân thích không sống cùng địa bàn xã hoặc là người già, yếu, khuyết tật không đi đăng ký khai tử được thì Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đăng ký khai tử lưu động.
  • Trường hợp hai bên nam, nữ cùng thường trú trên địa bàn cấp xã mà một hoặc cả hai bên nam, nữ là người khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký kết hôn được thì Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đăng ký kết hôn lưu động.

Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định tổ chức đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn lưu động.

Như vậy, anh H và chị T cùng thường trú trên địa bàn cấp xã mà anh H là người khuyết tật không thể đi đăng ký kết hôn được thì Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đăng ký kết hôn lưu động.

Tình huống 6. Cách đây 2 ngày tôi và vợ sắp cưới thực hiện đăng ký kết hôn tại Nhà văn hóa xóm trong đợt đăng ký hộ tịch lưu động do UBND xã tổ chức. Vậy, xin hỏi, đến lịch hẹn nhận Giấy chứng nhận kết hôn, chúng tôi sẽ đến địa điểm nào để được nhận?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì:

- Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được giao nhiệm vụ đăng ký kết hôn lưu động có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ mẫu Tờ khai, giấy tờ hộ tịch và điều kiện cần thiết để thực hiện đăng ký lưu động. Tại địa điểm đăng ký lưu động, công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra, xác minh về điều kiện kết hôn của các bên; hướng dẫn người dân điền đầy đủ thông tin trong Tờ khai đăng ký kết hôn; viết Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Thời hạn trả kết quả đăng ký kết hôn lưu động không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

- Trong thời hạn 05 ngày theo quy định, nếu xét thấy các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký Giấy chứng nhận kết hôn, sau đó tiến hành trao Giấy chứng nhận kết hôn cho các bên tại địa điểm đăng ký lưu động.

Căn cứ quy định nêu trên, vợ chồng bạn sẽ được Giấy chứng nhận kết hôn cho các bên tại địa điểm đăng ký lưu động – nhà văn hóa xóm.

Tình huống 7. Tôi đăng kí khai sinh ở xã X, huyện Y, tỉnh Z. Sau khi lấy chồng đã chuyển khẩu về quận A, thành phố B, tỉnh C. Bây giờ tôi muốn xin trích lục khai sinh thì tôi có phải quay về nơi đã đăng kí khai sinh trước đây xin trích lục không?

Gợi ý trả lời:

Theo Điều 63 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:

“Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.”

Tại khoản 5, Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:

“Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”

Tại khoản 1, Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định về cơ quan đăng ký hộ tịch như sau:

“Cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện)”.

Như vậy, cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký. Do đó, bạn có thể xin trích lục khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, UBND cấp huyện, Bộ Tư pháp.

Tình huống 8. Anh N và chị X kết hôn, chị X mới sinh con được 1 tuần và đã được bệnh viện nơi sinh con cấp giấy chứng sinh. Chị X có hộ khẩu thường trú tại xã X, anh N không có hộ khẩu thường trú tại xã X. Hiện giờ, anh N muốn biết anh có thể đăng ký khai sinh cho con tại UBND xã X được hay không và anh phải nộp, xuất trình những giấy tờ gì khi đi đăng ký khai sinh cho con mình?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014 : “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”, chị B (là mẹ của em bé) có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Y, tỉnh Z, do đó anh A có thể đến UBND xã X để làm thủ tục khai sinh cho con trai mình.

Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này. Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn

Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật

Khoản 1 Theo Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: “Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân

 Theo quy định trên thì anh N phải xuất trình các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định

- Giấy chứng sinh

- Bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

- Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng anh.

Tình huống 9. Anh D (dân tộc Kinh) kết hôn với chị C (dân tộc Tày) có 01 người con trai là Y (15 tuổi). Anh D và chị C đã thống nhất đăng ký khai sinh cho Y là dân tộc Tày theo dân tộc của mẹ. Trong lần Anh D uống rượu, bị nhóm bạn đã chế giễu, anh D về nhà yêu cầu vợ ra UBND xã đề nghị xác định lại dân tộc của Y sang dân tộc Kinh theo dân tộc của cha đẻ. Tuy nhiên, chị C và Y không đồng ý.Vậy, xin hỏi quyền xác định lại dân tộc của cá nhân được quy định như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định lại dân tộc của Q? Anh D có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại dân tộc của Y sang dân tộc Kinh theo dân tộc của mình mặc dù không có sự đồng ý của Y hay không?

Gợi ý trả lời:

Khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền xác định lại dân tộc như sau:

1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.

3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình

4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch  cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.

Như vậy, Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trongtrường hợp Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau. UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của Y có thẩm quyền xác định lại dân tộc cho Y.

Khoản 4 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó”.

Trong trường hợp này, Y đã 17 tuổi, do đó nếu không được sự đồng ý của Y thì anh D không có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc của Y từ dân tộc của mẹ đẻ sang dân tộc của cha đẻ.

Tình huống 10. Chị K và anh M có 1 đứa con chung 3 tuổi. Sau khi ly hôn, do không muốn con mang theo họ của M, chị K tới UBND xã làm thủ tục thay đổi họ của con từ họ của cha sang họ của mẹ. Tuy nhiên, UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh M thì chị K mới được làm thủ tục thay đổi họ cho con. Xin hỏi, việc UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh M khi chị làm thủ tục thay đổi họ cho con có đúng hay không?

Gợi ý trả lời:

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó”. Con chung của chị K và anh M hiện nay 3 tuổi, do đó việc thay đổi họ cho con chung phải có sự đồng ý của cả cả cha và mẹ. Việc đồng ý này được thể hiện trong Tờ khai đăng ký việc thay đổi hộ tịch. Do đó, việc UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh M khi chị K làm thủ tục thay đổi họ cho con của anh, chị là đúng quy định của pháp luật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay9,159
  • Tháng hiện tại210,455
  • Tháng trước474,973
  • Tổng lượt truy cập7,638,248
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down