Em làm việc cho một doanh nghiệp đa quốc gia, nên được trả lương và các khoản thu nhập khác bằng ngoại tệ. Việc tính thuế thu nhập của em được thực hiện như thế nào? Có bắt buộc phải quy đổi ra tiền Việt Nam để tính thuế hay không?
Trả lời
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 như sau:
“1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo khoản 2 Điều 3 của Luật này, thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
“a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;
c) Tiền thù lao dưới các hình thức;
d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;
đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;
e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Thuộc đối tượng và có thu nhập từ tiền công, tiền lương nêu trên, bạn có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân.
Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.
Theo khoản 3 Điều 11 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của chính phủ, thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ dưới đây:
“a) Các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Mức đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập khi xác định thu nhập tính thuế quy định tại Khoản này tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng, bao gồm cả số tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có).
Trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân đóng các loại bảo hiểm này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập tính thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công;
b) Các khoản giảm trừ gia cảnh quy định tại Điều 12 Nghị định này;
c) Các khoản đóng góp vào Quỹ từ thiện, Quỹ nhân đạo, Quỹ khuyến học quy định tại Điều 13 Nghị định này”.
Như vậy, thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ (các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học).
Pháp luật hiện nay quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công nêu trên thuộc thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, cho dù thu nhập đó người lao động nhận được bằng tiền Việt Nam hay ngoại tệ.
Trường hợp bạn nhận lương bằng ngoại tệ, việc quy đổi thu nhập chịu thuế ra đồng Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
“1.Thu nhập chịu thuế nhận được bằng ngoại tệ phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh thu nhập.
2.Thu nhập chịu thuế nhận được không bằng tiền phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ đó hoặc sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh thu nhập”.
Ý kiến bạn đọc