Chủ nhật, 28/04/2024, 12:12
hoagiaiocoso

Hành vi không nhường đường cho xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp sẽ bị xử phạt như thế nào?

Thứ hai - 23/10/2023 23:48 149 0

Chồng tôi vừa nhận được thông báo phạt nguội vì hành vi “không nhường đường cho xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp”.

Chồng tôi kể rằng, hôm đó mình có đi trước một xe còi rất nhiều và hình như có một cái cờ gì đó ở cắm ở đầu xe phía bên trái người lái, nhưng không có còi ủ hay đèn hiệu nhấp nháy. Quan sát không phải là xe cứu thương, xe chữa cháy, xe biển đỏ nên vì đèn xanh tín hiệu giao thông phía trước chỉ còn khoảng 15 giây, lại cũng đang vội nên tôi cố vượt qua, không nhường cho xe này.

Xin hỏi, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp có được ưu tiên hay không? Mức phạt tiền khi trót lái ô tô, xe máy mà không nhường đường cho xe ưu tiên là bao nhiêu?

Trả lời

Quyền ưu tiên của một số loại xe được quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

“a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang”.

Như vậy, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật là một trong các loại xe có quyền ưu tiên khi tham gia giao thông.

Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ quy định: “Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp là xe đi thi hành các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm”.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”.

Có nghĩa là, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.

Về tín hiệu, xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên; xe quân sự, công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, cảnh sát giao thông dẫn đường có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ, cờ hiệu quân sự, công an, có còi phát tín hiệu ưu tiên; xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Tín hiệu của xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 9 Nghị định số 109/2009/NĐ-CP như sau:

“1. Xe làm nhiệm vụ cứu hộ đê có cờ hiệu “HỘ ĐÊ” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.

2. Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật thực hiện như sau:

a. Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh có biển hiệu riêng.

b. Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có cờ hiệu “TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái”.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Theo điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ, điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô “không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ”, người vi phạm bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, theo điểm b khoản 5 Điều 6 của Nghị định này, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, “không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ”, người vi phạm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Người vi phạm cũng bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay11,577
  • Tháng hiện tại385,498
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,405,884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down