Thứ bảy, 21/12/2024, 10:10

05 tình huống pháp luật về công chứng, chứng thực

Thứ ba - 31/10/2023 11:06 1.135 0

Tình huống 1. Để thuận lợi trong canh tác, tôi và anh trai muốn đổi đất trồng lúa cho nhau, (hiện cả hai thửa đất này anh em tôi đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có diện tích sử dụng như nhau, cùng tại xã B). Tôi xin hỏi, chúng tôi có thể đề nghị Ủy ban nhân dân xã thực hiện chứng thực giao dịch này không?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 179 Luật đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác.

Tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Theo đó, nếu đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định nêu trên, ông/bà có thể đổi đất canh tác cho nhau và thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Ủy ban nhân dân xã.

Tình huống 2. Vợ chồng ông bà Trần Thanh T và Bùi Thị C cùng chết trong một tai nạn giao thông, không có di chúc để lại. Sau khi lo tang lễ cho cha mẹ chu toàn, các con ông bà T đã cùng nhau họp thống nhất phân chia di sản cha mẹ để lại. Các con ông bà T muốn biết, họ có thể đề nghị cơ quan nào chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?

Gợi ý trả lời:

Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, Phòng Tư pháp có thẩm quyền chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.

Điểm h Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

Như vậy, sẽ có 02 trường hợp sau xảy ra:

- Thứ nhất, nếu di sản chỉ gồm có động sản (ô tô, xe máy, tiền, vàng, giấy tờ có giá…) thì các con ông bà T có thể đến Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

- Thứ hai, nếu di sản gồm có động sản và bất động sản hoặc chỉ có bất động sản (quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà) thì các con ông bà T có thể đến Ủy ban nhân dân xã để chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Tình huồng 3. Bà nội tôi đã già yếu bị liệt nửa người, không thể đi lại được, nay bà muốn viết di chúc để lại tài sản cho các con. Vậy cho hỏi bà tôi có thể mời công chứng viên tới nhà để công chứng di chúc của bà được không?

Gợi ý trả lời:

Căn cứ Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định về địa điểm công chứng như sau:

Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

 Như vậy, đối chiếu quy định nêu trên thì người già yếu, không thể đi lại được, thì công chứng viên có thể tới nhà để công chứng.

Tình huống 4. Tôi đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội và có 01 ngôi nhà ở quê tại Hải Dương. Nay tôi muốn công chứng di chúc ngôi nhà đó cho con trai tôi. Vậy tôi có phải bắt buộc về Hải Dương để công chứng di chúc không?

Gợi ý trả lời:

Căn cứ theo Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 quy định “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.

 Như vậy, đối với công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền thì không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.

Tình huống 5. Hợp đồng mua bán nhà ở giữa tôi và anh B đã được công chứng tại Văn phòng công chứng, nhưng do có sự cố không mong muốn, 2 bên chúng tôi đã thoả thuận, thống nhất huỷ không thực hiện hợp đồng này nữa. Vậy đề nghị cho biết, pháp luật có cho phép huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng không?

Gợi ý trả lời:

Điều Khoản 1, Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định: Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

Như vậy pháp luật cho phép được huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứngkhi các bên cùng thoả thuận, thống nhất, cam kết bằng văn bản huỷ hợp đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay9,338
  • Tháng hiện tại210,634
  • Tháng trước474,973
  • Tổng lượt truy cập7,638,427
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down