Thứ tư, 11/09/2024, 03:48

05 tình huông pháp luật về hòa giải cơ sở

Thứ năm - 28/09/2023 00:28 576 0

Tình huống 1:
Bà Hằng làm hòa giải viên ở cơ sở đã được hơn 05 năm, mọi người trong tổ hòa giải thấy bà có khả năng thuyết phục, có uy tín. Do vậy, các hòa giải viên trong tổ hòa giải muốn bầu bà Hằng làm tổ trưởng tổ hòa giải; bà Hằng muốn biết tổ trưởng tổ hòa giải có phải do hòa giải viên bầu không và tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

* Điều 14 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định tổ tưởng tổ hòa giải, như sau:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.

2. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.

* Điều 15 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.

2. Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.

3. Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

4. Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

5. Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

6. Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.

7. Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Căn cứ quy định trên, thì Tổ trưởng tổ hòa giải là do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách Tổ hòa giải và tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 15 nêu trên.

Tình huống 2

Ông Quân và ông Nam có xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến việc dân sự, ông Quân muốn yêu cầu tổ hòa giải của thôn thực hiện hòa giải cho ông, ông Quân muốn biết các bên trong hòa giải có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải, như sau:

1. Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

2. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

3. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.

4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

Tình huống 3

Vợ chồng chị Linh và anh Trung xảy ra mâu thuẫn trong gia đình do anh Trung thường xuyên rượu chè, bỏ bê gia đình, mắng chửi vợ con. Sau nhiều lần khuyên bảo chồng không nghe, chị Linh gửi đơn yêu cầu tổ hòa giải hòa giải vụ việc cho chị, tuy nhiên, trong đơn chị yêu cầu được mời thêm bác Sơn – là bác trai của anh Trung, vì bác là trưởng họ, có uy tín trong họ, anh Trung rất kính trọng và lắng nghe tiếp thu ý kiến bác. Hỏi, trong quá trình hòa giải vụ việc trên, hòa giải viên có thể mời bác Sơn cùng tham gia hòa giải không?

Trả lời:

Điều 19 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về người được mời tham gia hòa giải, như sau:

“1. Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

2. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải”.

Như vậy, căn cứ quy định trên, thì hòa giải viên hoàn toàn có thể mời bác Sơn cùng tham gia hòa giải vụ việc của gia đình chị Linh và anh Trung.

Tình huống 4

Quang năm nay 18 tuổi yêu Hà năm nay 17 tuổi, do muốn ổn định cuộc sống nên hai gia đình của Quang và Hà có kế hoạch tổ chức đám cưới cho hai cháu. Biết được kế hoạch của hai gia đình, chị Vy là hàng xóm và cũng là Tổ trưởng tổ hoà giải đã cùng các thành viên trong tổ đến gia đình của Quang và Hà để tuyên truyền, vận động không tổ chức đám cưới cho Quang và Hà vì hai cháu chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Quang và Hà muốn biết, chị Vy cùng các thành viên trong tổ hoà giải đến tuyên truyền, vận động như vậy có đúng theo quy định của pháp luật không?

Trả lời:

 Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về độ tuổi kết hôn như sau:

 “1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.

Việc Quang (18 tuổi) và Hà (17 tuổi) kết hôn tại thời điểm này là hành vi tảo hôn - là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Ngoài ra, Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về căn cứ tiến hành hòa giải, như sau:

“Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.

Căn cứ các quy định trên, chị Vy cùng các thành viên trong tổ hoà giải đến tuyên truyền, vận động gia đình Quang và Hà không tổ chức đám cưới cho Quang và Hà vì hai cháu chưa đủ tuổi kết hôn là đúng theo quy định của pháp luật.

Tình huống 5

Anh Phương và anh Quyết có xảy ra xích mích, cãi vã, là một người có tính hung hăng, côn đồ, anh Phương đã cầm dao đâm vào người anh Quyết với ý định giết người, do may mắn, anh Quyết được hàng xóm đưa vào viện cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng. Vài hôm sau, gia đình anh Phương đến đề nghị Tổ hòa giải của thôn hòa giải giúp cho gia đình anh Quyết không truy cứu trách nhiệm hình sự của anh Phương trong vụ việc trên, tuy nhiên anh Tuân- là Tổ trưởng Tổ hòa giải từ chối đề nghị, vì anh cho rằng đây là vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó, không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Hỏi, việc từ chối hòa giải vụ việc trên của anh Tuân có đúng theo quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định, như sau:

“2. Không hòa giải các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 nêu trên;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 nêu trên;

đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Căn cứ quy định trên, hành vi của anh Phương là hành vi coi thường tính mạng con người, coi thường pháp luật, đây là hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Vậy, việc từ chối hòa giải vụ việc trên của anh Tuân là đúng theo quy định của pháp luật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay10,712
  • Tháng hiện tại160,789
  • Tháng trước395,163
  • Tổng lượt truy cập6,088,129
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down