Thứ bảy, 21/12/2024, 20:01

Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

Thứ ba - 11/04/2023 23:35 696 0
Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014. Nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, để từ đó xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, ngày 10/4/2023, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã ký Quyết định số 527/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Việc thực hiện tổng kết Luật Hòa giải ở cơ sở còn nhằm nhận diện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, khoảng trống (nếu có) để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc tổng kết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, tại các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở trung ương có liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mốc thời gian thông tin, số liệu tổng kết: Tính từ tháng 01/2014 (ngày Luật có hiệu lực thi hành) đến hết tháng 6/2023. Căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cụ thể, bộ, cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở trung ương và các địa phương chủ động lựa chọn tổng kết bằng hình thức phù hợp (tổ chức hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, hội nghị tổng kết, báo cáo kết quả tổng kết...).
 Nội dung tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở tập trung vào 05 nhóm sau:
(1) Tổ chức kiểm tra kết quả triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở.
Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra tại một số địa phương đại diện các vùng, miền trên cả nước. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra trên địa bàn.
(2) Tổ chức các hoạt động truyền thông về kết quả tổ chức thực hiện các văn bản, bao gồm: Xây dựng, đăng tải các tin bài, phóng sự; phát hành sản phẩm truyền thông về kết quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng (cao điểm từ ngày 15/10 đến ngày 15/11/2023); Tổ chức sưu tầm, cung cấp tài liệu, phóng sự, băng, đĩa, video clip, tư liệu, hình ảnh... về công tác hòa giải ở cơ sở trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; xây dựng phóng sự tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
(3) Tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở để từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
(4) Xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan (theo Đề cương báo cáo), Bộ Tư pháp xây dựng Báo cáo toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trong tháng 10/2023.
(5) Tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở
- Sở Tư pháp cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, Công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã tham mưu cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở thuộc cơ quan, tổ chức, địa phương.
- Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tư pháp tham mưu cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân trong toàn quốc có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở./.
 
Ngày 20/6/2013 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014. Qua 09 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột rất nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả bền vững. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn quốc có 86.414 tổ hòa giải ở cơ sở với 540.740 hòa giải viên, số vụ, việc hòa giải thành đạt tỷ lệ 82,9%. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước hòa giải thành hơn 110.000 vụ, việc đã góp phần giảm thiểu số vụ, việc tranh chấp phải đưa lên cơ quan có thẩm quyền và Tòa án giải quyết; xây dựng đời sống văn hóa gia đình, cộng đồng, xã hội ổn định, phát triển. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thông qua hòa giải ở cơ sở các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, đặc biệt nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down