Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ ba - 04/04/2023 21:211.2350
Ngày 03 tháng 4 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng. Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản, đường di cư của các loài thủy sản, các khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSAR…; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường. Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển. Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Về các giải pháp chủ yếu như sau: 1- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý, sử dụng các khu vực biển nhằm điều chỉnh hoạt động giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển; sớm ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để khai thác toàn diện tiềm năng tài nguyên biển; nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật về kinh phí sự nghiệp tài nguyên môi trường biển ở cấp trung ương và địa phương; tích cực tham gia và chủ động thúc đẩy hình thành cơ chế toàn cầu và khu vực liên quan đến tài nguyên biển và hải đảo. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xã hội kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các đảo, đặc biệt là các đảo tiền tiêu. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển từ trung ương đến địa phương bảo đảm hiện đại, đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn cao; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa trung ương với địa phương về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên biển và đảo; hình thành cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược. Tăng cường năng lực và tổ chức bộ máy quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đủ thẩm quyền thực hiện công tác điều phối, phối hợp và giải quyết những mâu thuẫn chồng chéo giữa các bộ, ngành và địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Xây dựng chính sách đầu tư bền vững cho các nhiệm vụ về quản lý tổng hợp biển và hải đảo và đầu tư phát triển các chương trình, dự án và xây dựng công trình kinh tế trọng điểm; xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực biển và hải đảo. Xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên, môi trường biển như lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác. 2- Phát triển khoa học, công nghệ: Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số, công nghệ số, thiết bị không người lái (trên không, dưới nước); phát triển các mô hình sử dụng bền vững, tuần hoàn tài nguyên biển, hải đảo để nhân rộng; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước tài nguyên biển và hải đảo; gắn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với công tác điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Đầu tư phát triển trang thiết bị, phương tiện, nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện đại; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ, viễn thám trong giám sát biển. Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác phát triển khoa học, công nghệ biển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ chế biến sâu, công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường. Xây dựng quy định pháp luật, chính sách khuyến khích để phát huy tri thức cộng đồng trong phát triển khoa học, công nghệ biển và hải đảo. 3- Chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững tài nguyên và môi trường biển; thực hiện nghiêm túc các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về biển mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về biển, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh việc tiếp xúc, giới thiệu, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, hợp tác đa phương trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột lợi ích liên quan đến tài nguyên và môi trường trên Biển Đông, góp phần xây dựng lòng tin trong cộng đồng các quốc gia có biển và lợi ích liên quan đến biển vì một Biển Đông hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. 4- Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển: Các trường đại học trong nước đào tạo các chuyên ngành về biển, đặc biệt là chuyên ngành về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Nhà nước đầu tư đào tạo hoặc liên kết nước ngoài đào tạo đại học và sau đại học các chuyên ngành hiện chưa hoặc ít được đào tạo tại các cơ sở trong nước, từng bước cung ứng đủ nguồn nhân lực cho nghiên cứu, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ có chuyên môn, có kinh nghiệm vào làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong quản lý tổng hợp và thống nhất biển. Nghiên cứu áp dụng các cơ chế ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt, bù đắp xứng đáng đối với các cán bộ thường xuyên hoặc phần lớn thời gian phải hoạt động trên biển, ngoài các đảo, đặc biệt là các đảo xa, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển. Có cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân. 5- Xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ngoài nguồn từ ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ để phục vụ công tác quản lý, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đảm bảo nguồn tài chính ổn định và có kế hoạch. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường biển, và cơ chế đầu tư trở lại cho điều tra, nghiên cứu về biển, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực biển và hải đảo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí trong việc các bên liên quan được hưởng các lợi ích từ khu bảo tồn biển, các quy định hỗ trợ người dân trong khu bảo tồn biển chuyển đổi sinh kế và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong việc xây dựng, vận hành khu bảo tồn biển. 6- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia: Thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu biển, đảo của các bộ, ngành, địa phương. Hoàn thiện hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu theo mô hình dữ liệu lớn; xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản trị biển thông minh. Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, thiết lập kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo giữa các bộ, ngành và địa phương. Xây dựng các công cụ, ứng dụng phân tích khai thác cơ sở dữ liệu lớn, đưa dữ liệu thành các thông tin, hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, hỗ trợ đơn vị, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. 7- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo: Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm bao gồm Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01 - 08/6). Đẩy mạnh giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường, trồng, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn, ý thức chấp hành pháp luật về biển trong xã hội. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven biển, trên các đảo về biến đổi khí hậu và kỹ năng thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu. Vận động ngư dân không sử dụng các biện pháp có tính hủy diệt, thiếu bền vững trong khai thác hải sản, không khai thác hải sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thủy sinh thuộc danh mục cấm khai thác và có trách nhiệm bảo vệ các loài thủy sinh thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ. Các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông có chuyên mục tuyên truyền về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, giữ gìn chất lượng môi trường biển; phổ biến kiến thức về phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; nâng cao nhận thức về hợp tác, hội nhập, bảo vệ chủ quyền, tài nguyên, môi trường biển, đảo. Đưa nội dung giáo dục về tài nguyên, môi trường, chủ quyền biển, đảo vào chương trình giảng dạy ở các cấp học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về biển, tài nguyên và môi trường biển nước ta, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cho các tầng lớp học sinh, sinh viên. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, giáo dục ý thức về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Nghị quyết cũng đề nghị, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt trong các Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ mới được đề ra trong Phụ lục kèm theo Nghị quyết này. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế cho Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.