Thứ năm, 02/01/2025, 09:53

Bộ Tư pháp: Tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác tư pháp giữa nhiệm kỳ

Thứ hai - 25/12/2023 09:13 826 0
Chiều nay (25/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác tư pháp giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021 - 2026). Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Bộ Tư pháp kết nối đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp, chuyên viên các phòng, trung tâm thuộc Sở Tư pháp…

Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” Bộ, ngành Tư pháp đã tiếp tục có nhiều đổi mới, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng, đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 3.763 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cấp tỉnh, 2.523 VBQPPL cấp huyện và 1.750 VBQPPL cấp xã.

Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Đã thẩm định đối với 44 đề nghị xây dựng VBQPPL và 238 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định 7.404 dự thảo VBQPPL; tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.075 VBQPPL.

Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, cách làm hay hiệu quả, đã tổ chức 436.362 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 32.272.992 lượt người; tổ chức 10.936 cuộc thi cho hơn 11.480.199 lượt người dự thi; phát hơn 44 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Các hoà giải viên đã tiếp nhận 90.522 vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành trung bình là 84,7%. Đã có 54/63 tỉnh, thành phố đang triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ, số Sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với gần 50 triệu dữ liệu. Đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1.557.149 trường hợp; đăng ký khai sinh lại cho 535.868 trường hợp; đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 8.038 trường hợp. Các cơ quan đăng ký hộ tịch cũng đã đăng ký khai tử cho tổng số 661.578 trường hợp; đăng ký kết hôn cho tổng số 704.726 cặp; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 24.804 trường hợp chia theo giới tính công dân Việt Nam cư trú trong nước.

Toàn quốc đã chứng thực hơn 76.925.228 bản sao; thực hiện được 9.353.735 việc chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Các địa phương đã giải quyết 3.175 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, tăng 174 trường hợp (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận và xử lý được 246.403 thông tin; cập nhật và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu 171.495 thông tin. Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã cấp được 1.158.575 phiếu lý lịch tư pháp.
 

anh 2
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị.
 

Cũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác. Hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện; kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; chất lượng hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng cao; quy trình xây dựng VBQPPL tiếp tục được đổi mới. Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2.198 VBQPPL. Các địa phương đã ban hành VBQPPL 12.873 cấp tỉnh, VBQPPL 7.891 cấp huyện và 5.4733 VBQPPL cấp xã. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 1.464.569 cuộc PBGDPL trực tiếp cho hơn 100 triệu lượt người. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 1.609.462 việc, với trên 211.073 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đã tổ chức thẩm định đối với 739 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 1.896 dự thảo VBQPPL. Các địa phương đã thẩm định 22.983 dự thảo VBQPPL; đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 37.153 VBQPPL. Cả nước đã tiếp nhận 302.172 vụ việc hoà giải, trong đó số vụ việc hoà giải thành là 259.554 vụ việc và tỷ lệ hòa giải thành tăng liên tục trong các năm. Đã chứng thực hơn 255 triệu bản sao; thực hiện được 25.987.715 việc chứng thực chữ ký, hợp đồng, giao dịch… và nhiều kết quả quan trọng khác.

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2024 và nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021 - 2026).
 

25 12 23 tong ket (6)
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2023 và sau nửa nhiệm kỳ qua. Đồng chí đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, đảm bảo kịp thời, có chất lượng, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản; nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực thi pháp luật. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down