Thứ năm, 12/09/2024, 15:57

Kế hoạch công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022

Chủ nhật - 03/04/2022 23:50 1.112 0
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong tình hình mới, ngày 31 tháng 3 năm 2022 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1013/KH-UBND Thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022
Kế hoạch công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022
Theo đó, kế hoạch đã đề ra 03 mục tiêu cụ thể và 03 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:
I.MỤC TIÊU CỤ THỂ TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Về phòng chống HIV/AIDS
- Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV.
- Tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận với dịch vụ phòng lây nhiễm HIV đạt 70%. Duy trì tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc thay thế các chất dạng thuốc phiện đạt trên 70%.
- Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV đạt trên 92%. Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt trên 90%.
- Duy trì không có trường hợp nhiễm HIV từ mẹ sang con.
- Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giám sát, đánh giá hoạt động tại 100% cơ sở triển khai dịch vụ.
- Đảm bảo ngân sách địa phương cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Huy động nguồn hỗ trợ từ các dự án quốc tế.
2. Về phòng, chống ma túy
- Phấn đấu không để phát sinh tụ điểm phức tạp mới. Đổi mới công tác cai nghiện ma túy phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương
- Lập hồ sơ quản lý 95% người nghiện ma túy, trong đó ít nhất 80% người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; duy trì, giữ vững các xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy, phấn đấu đưa 01 địa bàn cấp xã ra khỏi diện phức tạp, trọng điểm về ma túy; phá nhổ 100% diện tích trồng, tái trồng cây Thuốc phiện được phát hiện.
- Duy trì và nâng cao chất lượng hiệu quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; mở rộng triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
3. Về phòng, chống mại dâm
- Không để hình thành tụ điểm mại dâm; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật, tác hại của tệ nạn mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV cho đối tượng mại dâm; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng tình của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm.
- 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở các cấp được tập huấn về năng lực điều hành, phối hợp, kỹ năng tư vấn, tiếp cận đối tượng; nhằm làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống mại dâm cũng như các tệ nạn xã hội khác.
- Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội tại các đơn vị xã, phường, thị trấn. Duy trì và đăng ký xây dựng mới các đơn vị xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không phát sinh mới ma túy, mại dâm năm 2022.
II. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc thực hiện các chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS; Chương trình phòng, chống mại dâm như: Chương trình hành động số 35-CTr/TU, ngày 01/11/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Kế hoạch số 224/KH-UBND, ngày 13/8/2021 về triển khai thực hiện Kết 3 luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2025; Kế hoạch số 3237/KHUBND ngày 11/10/2021 về triển khai thực hiện thực hiện Chương trình phòng chống ma tuý giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch số 3742/KH-UBND ngày 12 /11/ 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu...
- Chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy 2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022); Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau nghiện ma túy; Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 quy định cơ sở Y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy. Ban hành các Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022”; “Tháng hành động phòng, chống ma tuý”, “Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý” (ngày 26/6).
2. Công tác tuyên truyền
- Phối hợp tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào: “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có tác hại, thực hiện hành vi an toàn tự bảo vệ phòng lây nhiễm HIV trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương, nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Tập trung tuyên truyền cho những người nhiễm HIV tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, tăng cường tuyên truyền phòng ngừa ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới, cách nhận biết và kỹ năng phòng ngừa; tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các nhóm đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là thế hệ trẻ (thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, lái xe, lao động tự do...). Đẩy mạnh xã hội hóa công tác này.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề phòng ngừa mại dâm. Tuyên truyền làm thay đổi hành vi, lối sống của những người có liên quan đến hoạt động mại dâm; giúp cho mọi người thấy được tác hại, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm mại dâm và từ dó có ý thức phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống mại dâm. Phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức các hình thức truyền thông, giáo dục phù hợp từng đối tượng.
 - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: Tin nhắn, thông điệp tuyên truyền trên hệ thống điện thoại di động; xây dựng, đa dạng hóa các chương trình, phóng sự, bản tin… tuyên truyền; tăng cường phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi… Cùng đó lồng ghép tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề...Củng cố, xây dựng các mô hình phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tại các địa bàn nông thôn. Duy trì tốt hoạt động tại các mô hình ở các xã, phường, khu dân cư về phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội.
3. Triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác chuyên môn
3.1. Công tác phòng, chống AIDS
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, huy động sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và toàn xã hội vào công tác này, đảm bảo thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư.
- Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là: Dự phòng, can thiệp giảm tác hại, truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm phát hiện mới người nhiễm HIV theo dõi và đánh giá chương trình; mở rộng, nâng cao chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS. Nâng cao năng lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cơ quan nhà nước và tổ chức cộng đồng.
- Tăng cường hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS, chú trọng nâng cao chất lượng số liệu giám sát dịch HIV/AIDS, kết nối hệ thống giám sát dịch, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị đảm bảo quản lý và theo dõi được danh sách người nhiễm HIV theo địa bàn từng huyện, thành phố. Tiếp tục duy trì điều trị thuốc ARV cho 1.209 bệnh nhân trên địa bàn đồng thời vận động người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV tham gia điều trị ARV. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV tuyến huyện để đảm bảo công tác giám sát dịch HIV/AIDS hiệu quả trong tình hình mới.
- Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, các hoạt động cung cấp bơm kim tiêm sạch và bao cao su tại các điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh; thường xuyên tổ chức giám sát xét nghiệm người tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm, bệnh nhân hoa liễu, phụ nữ mang thai, bệnh nhân lao, người cho máu... Tăng cường công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được thực hiện có hiệu quả như tiếp tục triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại; tổ chức giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình và quản lý số liệu cho tuyến huyện, thành phố. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phát hiện HIV cho học viên Cơ sở cai nghiện ma túy, Trại tạm giam và Nhà tạm giữ, đối tượng xét nghiệm HIV tự nguyện.
 - Tiếp tục duy trì, triển khai công tác điều trị tại 08 cơ sở điều trị và 30 cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp, nhất là tại cơ sở.
3.2. Công tác phòng, chống ma túy
- Tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn về ma túy. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cao điểm tuyên truyền, tập trung lực lượng nắm tình hình, phát hiện và đấu tranh triệt xóa các điểm tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần chuyển hóa trong sạch các địa bàn phức tạp.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống và kiểm soát chặt các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong xuất nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp. Rà soát, phát hiện, ngăn chặn, triệt xóa các điểm trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để các đối tượng lợi dụng để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
- Rà soát, xây dựng kế hoạch đề nghị đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở y tế đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện đảm bảo theo quy định của Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Nghiên cứu tham mưu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng… Triển khai có hiệu quả công tác rà soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện, người nghi sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tham mưu, phối hợp xây dựng kế hoạch tạo công ăn việc làm giúp người nghiện sau cai sớm tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo đời sống, kinh tế, quá đó kéo giảm tỷ lệ tái nghiện sau cai; tập trung triển khai các giải pháp, biện pháp nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy. Quản lý chặt chẽ, không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật.
- Tổ chức các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy; tổ chức nghiên cứu, đề xuất sử dụng các bài thuốc, phương pháp điều trị nghiện ma túy mang lại hiệu quả cao, nhất là đối với các chất ma túy mới xuất hiện, ma túy tổng hợp.
3.3. Công tác phòng, chống mại dâm
- Tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, người nghi vấn bán dâm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm... phân công cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nắm chặt diễn biến, tình hình để có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời (chú ý các địa bàn có dấu hiệu phức tạp, dấu hiệu hoạt động mại dâm). Tổ chức cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm và tiếp viên, nhân viên của các cơ sở này ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
- Lực lượng kiểm tra liên ngành 178 tỉnh, huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện theo thẩm quyền và phối họp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm trên địa bàn phụ trách. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần. Làm tốt công tác đấu tranh, triệt phá các điểm, đường dây hoạt động mại dâm (chú ý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, dễ phát sinh mại dâm).
- Xây dựng, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách về phòng, chống mại dâm ở cấp tỉnh, cán bộ trực tiếp thực hiện dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down