Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030”
Thứ tư - 16/03/2022 04:481.1710
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030”.
Theo đó, Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” (sau đây gọi là Đề án) quy định tại Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” (sau đây gọi là Quyết định số 1373/QĐ-TTg). Thông tư này không áp dụng đối với các Đề án quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg gồm: Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”, Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”, Đề án “Xây dựng kho học liệu mở phục vụ tự học và học tập suốt đời trên hệ sinh thái truyền hình giáo dục Việt Nam” và Đề án “Hỗ trợ cán bộ y tế tuyến cơ sở học tập suốt đời về chuyên môn khám chữa bệnh, phòng bệnh”. Việc quản lý và sử dụng kinh phí để thực hiện các Đề án này thực hiện theo các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Về nguồn kinh phí thực hiện, Thông tư nêu rõ: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo nhiệm vụ được giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ. Nguồn kinh phí huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ hợp pháp khác. Nội dung và mức chi từ những nguồn kinh phí này được thực hiện theo các quy định hiện hành đối với từng loại nguồn kinh phí và khuyến khích các đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về kế toán. Nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án tại các Bộ, cơ quan Trung ương được quy định như sau: Chi các hoạt động triển khai, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án và các Đề án thành phần, gồm: Chi công tác phí, chi tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu, tập huấn triển khai các nội dung của Đề án; các hội nghị sơ kết, tổng kết cấp Trung ương: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây gọi là Thông tư số 40/2017/TT-BTC); Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Chi điều tra, khảo sát về tình hình, nhu cầu học tập của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, lao động nông thôn và học sinh, sinh viên để có các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia (sau đây gọi là Thông tư số 109/2016/TT-BTC). Xây dựng tài liệu cho các cuộc bồi dưỡng, tập huấn; tài liệu truyền thông để hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên và cán bộ chủ chốt của các hội về công tác xóa mù chữ, công tác quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng và công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận/xếp loại “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập cấp thôn/bản/ấp/tổ dân phố hoặc cấp xã/phường/thị trấn”, “Huyện học tập” và “Tỉnh học tập” (sau đây gọi là các mô hình học tập): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chi công tác tuyên truyền, gồm: Phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP); Sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, phát hành ấn phẩm, sản phẩm truyền thông và tài liệu phục vụ cho hoạt động tuyên truyền: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quyết định lựa chọn nội dung, hình thức ấn phẩm, sản phẩm truyền thông trên cơ sở dự toán được giao và thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành; Tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông, diễn đàn về các mô hình học tập, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC . Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 4 năm 2022. Thông tư số 07/2018/TT-BTC ngày 24/01/2018 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020” hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.