Thứ năm, 18/04/2024, 22:50
hoagiaiocoso

Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - niềm tự hào Việt Nam

Thứ ba - 30/11/2021 04:20 763 0

Đối mặt với những thách thức của đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, Việt Nam tự hào là quốc gia đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc đảm bảo quyền con người.

Các công dân thể hiện sự biết ơn tới Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ trong lúc khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

 1. Ngày 10/12/1948, Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bởi Nghị quyết 217A(III). Năm 1950, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra Nghị quyết 423(V) về bản Tuyên ngôn này và kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội lấy ngày 10/12 hằng năm làm Ngày Nhân quyền thế giới.

Kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới là dịp để khẳng định rằng các quốc gia, dân tộc phải luôn hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, đây cũng là dịp mà các thế lực thù địch, những lực lượng mang nhiều định kiến, thành kiến tăng cường chỉ trích, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Quyền con người, xét về bản chất, là những giá trị cao đẹp nhất, phổ quát nhất của con người, được hình thành, phát triển và kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Quyền con người không được xác lập bởi riêng một quốc gia nào, mà là sự đóng góp của tất cả các quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp và cá nhân con người.

Kỷ niệm ngày Nhân quyền thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nên cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng trên bình diện toàn cầu, đồng thời là tác nhân khiến cho nền kinh tế thế giới suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua. Những hệ quả to lớn của đại dịch đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu, rạn nứt cố hữu trong xã hội ở các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, cũng chính trong thời kỳ đại dịch, tính bền vững, ưu việt, khả năng chống chịu dẻo dai của các chế độ chính trị - xã hội - kinh tế ở mỗi quốc gia cũng được thử thách một cách toàn diện. Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu, đường lối đúng đắn và các giải pháp phù hợp, biết mình, biết người, với tinh thần đoàn kết quý giá của dân tộc, đất nước ta đã cơ bản phòng chống dịch có hiệu quả, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép đầy thách thức là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Phun thuốc khử trùng tại phố Hội

Phun thuốc khử trùng tại phố Hội

Trên cơ sở thế giới quan khoa học là chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xem xét một cách thống nhất giữa thuộc tính tự nhiên - xã hội của bản chất con người cũng như giữa lý luận và thực tiễn của quyền con người. Về cơ bản, quyền con người gồm quyền sống, quyền lao động và quyền tự do. Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch nêu rõ “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nỗ lực đảm bảo quyền con người ở các quốc gia, dù ở mức độ phát triển nào, bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là 3 quyền cơ bản nêu trên.

Liên quan đến quyền sống, tính đến ngày 20/11/2020, cả thế giới có hơn 57 triệu người nhiễm vi-rút Covid-19 và 1,3 triệu người tử vong. Mỹ là quốc gia có số ca lớn nhất, tiếp đến là Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp, Anh… So sánh với số người tử vong của một số đại dịch khác từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 chưa phải là nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, tính chất nguy hiểm, khó lường, khả năng lây lan của vi-rút khiến cho việc đối phó với đại dịch trở nên rất khó khăn. Trong khi thế giới vẫn đang chờ đợi vắc-xin hữu hiệu, chắc chắn là con số người nhiễm vi-rút và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, gây nên nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định “Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có”(1). Quyền được sống của con người ở mọi quốc gia trên trái đất này đều bị đe dọa.

Về quyền tự do, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự rối loạn, ngừng trệ và thậm chí là tê liệt ở các quốc gia mà nó lan tới. Hầu hết các quốc gia, kể cả các quốc gia có độ mở cao, thậm chí ban đầu có sự lựa chọn thiên về miễn dịch cộng đồng, rút cuộc đều phải tạm đóng cửa biên giới. Ở các mức độ khác nhau và ở các thời điểm khác nhau, các nước buộc phải ban bố lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, yêu cầu giãn cách xã hội. Hơn một nửa dân số thế giới phải sống trong tình trạng giãn cách xã hội và phải hy sinh những nhu cầu cơ bản của cá nhân như đi làm, đến trường, đi du lịch hay gặp gỡ người thân... Đây là thực trạng chưa từng có tiền lệ, và đặc biệt nghiêm trọng hơn, nó tác động sâu sắc, tiêu cực đến tâm lý xã hội, con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng đã là xu thế lớn trong nhiều thập kỷ qua. Nói cách khác, trong thời đại toàn cầu hóa, chưa bao giờ quyền tự do, đặc biệt là tự do đi lại, của nhân loại bị tác động sâu sắc như vậy. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) về tác động của đại dịch đối với ngành hàng không, trong năm 2020, số vé bán ra giảm tới 51%, tương đương với giảm hơn 2,8 tỷ hành khách. Thiệt hại của các hãng hàng không trên thế giới vào khoảng 390 tỷ đô-la Mỹ(2).

Về quyền mưu cầu hạnh phúc, đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên toàn cầu, đặc biệt là về kinh tế. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá “Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước”(3). IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm khoảng 4,4% trong năm 2020(4). Điều quan trọng hơn là triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn và rất khó lường, phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc sản xuất vắc-xin và điều trị bệnh. Cùng với kinh tế, các vấn đề xã hội, nhất là quyền con người cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Hàng trăm triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm, tiền lương và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Các nước thu nhập trung bình và dưới trung bình chịu tác động nặng nề nhất với số giờ lao động sụt giảm tới 23,3%. Thu nhập lao động toàn cầu giảm tới 15%(5).

Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 45 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ (14/9/2020), Cao ủy Liên hiệp quốc về quyền con người Michelle Bachelet nhận định “Thế giới hiếm khi phải đối mặt với cú sốc toàn cầu, toàn diện và phức tạp như Covid-19” và “Không còn nghi ngờ gì nữa, vi-rút Corona là một phép thử đối với các nguyên tắc, giá trị và tính nhân văn”.  Để vượt qua được phép thử này, các quốc gia cần có chính sách, hành động ứng phó toàn diện không chỉ về mặt y tế mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó có việc bảo đảm, cân đối giữa biện pháp phòng chống dịch bệnh với tôn trọng các quyền con người, nhân phẩm của mỗi cá nhân và cộng đồng là một yêu cầu thiết yếu. Bà Bachelet kêu gọi đoàn kết và hợp tác toàn cầu, bảo đảm quyền tiếp cận vắc-xin, bảo hiểm y tế, xã hội và các quyền cơ bản khác đối với tất cả người dân, đồng thời nhấn mạnh bảo vệ quyền con người là then chốt để bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định xã hội và phát triển bền vững cho các nước(6).

 2. Trong bức tranh chung toàn cầu, Việt Nam, một quốc gia ở mức phát triển trung bình thấp, đã phòng chống dịch hiệu quả và hơn thế nữa, đảm bảo tốt quyền con người cho nhân dân và cả người nước ngoài ở Việt Nam.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược nào để đối phó với Covid-19 thì với quan điểm “vì dân”, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân.

Mọi người đến xếp hàng chờ rút gạo

Mọi người đến xếp hàng chờ rút gạo "bằng chân" từ ATM gạo miễn phí đều tuân thủ quy định giữ khoảng cách 2m. (Ảnh: Vũ Toàn)

Trên nền tảng quan điểm nhân văn đó, chiến dịch phòng chống Covid-19 của Việt Nam đã thành công nổi bật, trở thành điểm sáng toàn cầu. Đảng và Nhà nước không để cho các nhóm người yếu thế bị thiệt thòi. Một mặt, các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực. Mặt khác, hưởng ứng sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, một phong trào tương thân tương ái đã bùng lên rộng khắp cả nước. Những thuật ngữ mới xuất hiện mà đi thẳng vào truyền thông quốc tế như “ATM gạo”, “Cửa hàng 0 đồng” đã làm cho cả thế giới thán phục với tinh thần và tấm lòng người Việt Nam.

Trong khi giao thông, giao thương cả thế giới hầu như bị “đông cứng”, đình trệ, chậm chạp, nhiều hoạt động bị đình hoãn, bãi bỏ, tại Việt Nam, về cơ bản, với kết quả phòng chống dịch hiệu quả, người dân Việt Nam vẫn được hưởng mọi quyền tự do một cách bình thường, đặc biệt là việc tự do đi lại và tự do thông tin. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu và hàng không thế giới gần như không hoạt động vì dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực tổ chức gần 200 chuyến bay, đưa khoảng 60.000 công dân Việt Nam, thuộc các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chuyến bay của các quốc gia đưa người nước ngoài ở Việt Nam về nước. Các nỗ lực này không chỉ thể hiện việc bảo đảm quyền tự do đi lại cho mỗi con người trong điều kiện đầy thách thức, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những người con xa xứ và với người nước ngoài ở Việt Nam. Các chuyến bay nhân văn này còn thế hiện tầm vóc, vị thế Việt Nam, nhân lên lòng tự hào, niềm tin vào đất nước, vào Đảng ta.

Người dân Việt Nam được tiếp nhận đầy đủ thông tin cập nhật từng ngày, từng giờ, thậm chí là từng phút về tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình dịch bệnh. Đáng chú ý, Chính phủ công khai, minh bạch mọi thông tin, mọi biện pháp liên quan đến phòng chống dịch để dân biết, dân hiểu và dân hưởng ứng, làm theo. Chính điều này đã khiến cho nạn tin giả (fake news) hầu như không còn “đất dụng võ”, các kênh thông tin chính thống của Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp được người dân tin tưởng.

Học sinh trên cả nước đi học sau khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Học sinh trên cả nước đi học sau khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)


Với chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép, các hoạt động kinh tế, dịch vụ ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Nhờ đó, số người thất nghiệp được kiểm soát, về cơ bản toàn dân vẫn có điều kiện làm việc, kiếm sống, thậm chí có lĩnh vực, ngành nghề còn bận rộn hơn để phục vụ cho nhu cầu xã hội thời đại dịch, và nhất là để đón đầu những cơ hội mà các hiệp định thương mại đa biên mang lại. Giáo dục - đào tạo các cấp vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí, nhiều trường còn đón số du học sinh từ các quốc gia trở về. Đồng thời, các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao vẫn diễn ra sôi động. Nhìn ra thế giới với những đợt phong tỏa toàn quốc ở các quốc gia, mới thấy hết, cảm nhận hết giá trị của sự tự do và quyền được hưởng thụ, mưu cầu hạnh phúc trên đất nước Việt Nam.

Có thể nói, lời ngợi khen của bạn bè quốc tế, những lời tự đáy lòng của người trở về từ điểm cận kề cái chết là minh chứng sống động cho tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, cho nỗ lực không mệt mỏi của Đảng và Nhà nước ta vì quyền con người, không phân biệt quốc tịch, sắc tộc.

 3. Cho đến nay, cả ở trong nước và quốc tế, đã có nhiều đánh giá, lý giải về thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Dưới góc độ bảo đảm quyền con người, những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có thể được lý giải bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, từ khi thành lập, Đảng ta luôn xác định lợi ích nhân dân là tối thượng, trong đó bao gồm việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân. Đây là quan điểm, nguyên tắc xuyên suốt, quyết định mọi đường lối, chủ trương của Đảng. Do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, quan điểm vì dân của Đảng ta được hình thành trên nền tảng truyền thống nhân văn, “dân vi bản” của dân tộc, chủ nghĩa nhân văn Mác - Lênin và tư tưởng nhân văn, yêu dân và vì dân của Hồ Chí Minh.

Không những đảm bảo các quyền con người quý giá cho nhân dân, với tinh thần nhân văn cao cả, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam còn chở che, cứu sống những người nước ngoài đang sống trên đất nước ta. Đặc biệt, cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ, gian nan và kết cục thần kỳ nhằm cứu sống bệnh nhân người Anh số 91 đã khiến cho thế giới khâm phục vì tính nhân văn, sự tận tâm, kiên định và trình độ y tế Việt Nam.

Những lời ngợi khen chân thật từ trái tim những người nước ngoài ở Việt Nam đã khiến cho truyền thông quốc tế hết sức bất ngờ.

- “Cảm ơn tất cả các y bác sĩ, quân đội, công an và các tình nguyện viên, cảm ơn những hy sinh của các bạn đã giúp cho chúng tôi được an toàn!;

-  “Lời cảm ơn là không đủ cho những bản lĩnh, sự hy sinh và lòng tốt của đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam. Cảm ơn vì tất cả”;

- “Những con người tuyệt vời, một đất nước tuyệt vời. Việt Nam cố lên!”(7). “Tôi choáng ngợp trước sự hào phóng của người dân Việt Nam, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ, y tá làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi cảm ơn tất cả mọi người vì những gì họ đã làm cho tôi” - Nhật báo hàng đầu của Anh “The Guardian” dẫn lời nam phi công nói khi rời bệnh viện Chợ Rẫy(8).

Cũng chính với mục tiêu tối thượng là vì dân, Đảng và Nhà nước ta mới lựa chọn bài toán kép đầy thách thức, đó là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bởi lẽ, bên cạnh việc bảo đảm tính mạng con người, còn phải bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân được làm việc, làm ăn, được học hành, phát triển. Trên thế giới, nhiều quốc gia lúng túng khi buộc phải lựa chọn phong tỏa toàn bộ, hy sinh phát triển hoặc mở cửa chấp nhận đại dịch lây lan, và rút cuộc không đạt được mục tiêu nào. Trong khi đó, để giải bài toán kép vô cùng cân não và khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối, chiến lược và giải pháp phù hợp. Kết quả là, Việt Nam không những phòng chống hiệu quả đại dịch, mà còn trở thành 1 trong 4 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2020 với mức tăng 2,4%(9).

Thứ hai, trên nền tảng chủ nghĩa biện chứng duy vật, Đảng ta xác định đúng đắn mối quan hệ giữa người dân và quốc gia - dân tộc, giữa cá nhân và tập thể, giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Trong các mối quan hệ đó, tùy vào điều kiện lịch sử, phát triển, đặc thù của bối cảnh mà có biện pháp cân đối phù hợp. Rõ ràng, trong điều kiện đại dịch, một điều kiện đặc biệt và ngặt nghèo chưa từng có, phần nào có thể so sánh với chiến tranh, việc cá nhân tôn trọng tập thể, mỗi người dân vì lợi ích chung của đất nước, việc hy sinh quyền lợi và nâng cao nghĩa vụ công dân, là điều kiện tối quan trọng để thống nhất ý chí, tập hợp lực lượng, quy tụ sức mạnh toàn dân. Trên thực tế, việc tôn trọng cái chung, hy sinh quyền lợi riêng lại mang đến hệ quả là người dân Việt Nam vẫn được hưởng quyền con người cơ bản một cách rất đặc thù, nổi bật trong một thế giới đầy những hạn chế, cách ly và phong tỏa.

Thứ ba, quan điểm vì dân xuyên suốt 90 năm qua và bản lĩnh của Đảng trước những thách thức cam go nhất của lịch sử đã củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến trường kỳ, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và công cuộc đổi mới đã khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam về bản lĩnh, ý chí và năng lực lãnh đạo của Đảng ta. Nhân dân tin vào một Đảng chỉ có lợi ích nhân dân làm trọng, không có lợi ích nào khác, một Đảng mà lợi ích giai cấp hòa quyện với lợi ích dân tộc. Nhân dân tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi quyền cơ bản của người dân được bảo đảm, được tôn trọng, được tạo điều kiện phát huy. Từ đó, nhân dân hưởng ứng nhiệt thành, đi theo đường lối, chủ trương của Đảng, làm theo các biện pháp của Chính phủ.

Việt Nam được thế giới ghi nhận là một hình mẫu chống đại dịch COVID-19. Ảnh Internet

Việt Nam được thế giới ghi nhận là một hình mẫu chống đại dịch COVID-19. Ảnh Internet

Thành công của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid - 19 một lần nữa khẳng định mục tiêu xuyên suốt vì lợi ích nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời chứng minh rằng việc bảo đảm quyền con người phải dựa trên điều kiện, bối cảnh cụ thể. Điều quan trọng là, nguyên tắc vì nhân dân, vì quyền con người phải đến từ bản chất, từ nền tảng tư tưởng của Đảng, không phải là chủ nghĩa mị dân theo lối dân chủ tư sản chủ nghĩa. Thực tế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã cung cấp những lợi khí cả về lý luận và thực tiễn, vừa khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường nhân văn, vì con người, vừa đấu tranh hiệu quả trước những luận điểm xuyên tạc, chống phá nấp dưới chiêu bài “nhân quyền”.

Một Đảng vì nhân dân, một Đảng có con đường đúng đắn, một Đảng có năng lực lãnh đạo vượt các cơn khủng hoảng cam go của lịch sử, Đảng đó xứng đáng đại diện cho dân tộc, lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng và nhân văn.

.

(1) https://www.who.int/news/item/21-09-2020-boost-for-global-response-to-covid-19-as-economies-worldwide-formally-sign-up-to-covax-facility

(2)https://www.icao.int/sustainability/Documents/COVID-19/ICAO_Coronavirus_Econ_Impact.pdf

(3)https://uk.reuters.com/article/uk-health-coronavirus-imf/imfs-georgieva-says-coronavirus-crisis-is-worst-since-great-depression-idUKKBN2221Q7

(4)https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2020/09/30/world-economic-outlook-october-2020

(5) https://news.un.org/en/story/2020/09/1073242

(6)https://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=26232&LangID=E

(7) https://english.vov.vn/your-vietnam/vietnam-we-thank-youviet-nam-co-len-touching-messages-from-expats-412570.vov

(8) https://www.theguardian.com/world/2020/jul/11/british-pilot-returns-home-from-vietnam-after-covid-19-ordeal

(9) https://www.imf.org/en/Publications/WEO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down