Thứ sáu, 19/04/2024, 09:41
hoagiaiocoso

Đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Thứ tư - 20/10/2021 22:30 1.108 0
Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, là hiểm họa đối với loài người, không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, pháp luật của mỗi quốc gia, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm con người mà còn phá vỡ cấu trúc, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Với tính chất và đặc thù của tội phạm mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt, mang tính xuyên quốc gia và siêu lợi nhuận nên xu hướng phạm tội gia tăng và ngày càng phức tạp. Ở nước ta, tình hình tội phạm mua bán người cũng diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc, với dân số trên 46 vạn người, trong đó chiếm trên 85% là đồng bào DTTS, có 273 km đường biên giới với Trung Quốc, có 01 cửa khẩu (Ma Lù Thàng), có hàng trăm đường tiểu ngạch qua biên giới, trình độ dân trí thấp,…là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội mua bán người.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này đã được lực lượng công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biên giới; lập đường dây nóng nhằm kịp thời điều tra, bắt giữ và chuyển giao đối tượng phạm tội; xây dựng các mô hình phòng ngừa hiệu quả về nạn mua bán người; các chuyên án về tội phạm MBN ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn cũng được các cấp, các ngành chú trọng. Thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch 1184/KH-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 2663/KH-BCĐ-CAT ngày 05/7/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lai Châu về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2021, với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ người dân trên địa bàn tỉnh.
Để  thực  hiện  hiệu  quả  công  tác phòng, chống mua bán người, cần thực hiện tốt nhiều  nhiệm  vụ, giải  pháp  thiết  thực, hiệu  quả,  sát  với  tình hình thực tế của địa phương.  Trong  đó,  chú  trọng  công  tác truyền thông về phòng, chống mua bán người. Cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; tập trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm này, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được hỗ trợ và đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc.
Các ngành chức năng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong đó chú trọng tổ chức điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình về hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán.
Các đơn vị tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm; điều tra, khám phá vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng; thực hiện các biện pháp giải cứu, hồ trợ và bảo vệ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Chính quyền các cấp, đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường quản lý biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; di cư tự do; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động cho, nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, làm việc, học tập, du lịch và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác nhằm kịp thời phát hiện vụ việc mua bán người.
Hoạt động truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc mua bán người, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án mua bán người.
Đối với hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định; chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Nội dung PCMBN phải được lồng ghép vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mua bán người đòi hỏi sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi tình hình thông tin tội phạm; triển khai có hiệu quả các công ước, nghị định về phòng ngừa, trấn áp và xét xử công khai đối với các vụ án mua bán người. Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down