Chủ nhật, 28/04/2024, 17:32
hoagiaiocoso

Khách đi xe ôm không đội mũ thì ai bị xử phạt vi phạm hành chính?

Thứ ba - 16/01/2024 22:36 130 0

Bố tôi chạy xe ôm, tuy nhiên khi khi tham gia giao thông có nhiều khách không chịu đội mũ bảo hiểm. Như vậy, nếu bị cảnh sát giao thông xử phạt thì bố tôi hay khách đi xe phải chịu phạt? Khi không đội mũ mà gây tai nạn thì bố tôi có phải bồi thường hay không?

Trả lời

 Theo quy định tại  khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.

Căn cứ quy định nêu trên, khi tham gia giao thông cả người điều khiển và người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đều phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Đối với người ngồi sau xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (người được chở), theo điểm b khoản 6 Điều 11 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của chính phủ, “không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ” bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, theo điểm o khoản 3 Điều 6 Nghị định này (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), “chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật” bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Như vậy, nếu người được chở khi đi xe ôm công nghệ không đội mũ bảo hiểm thì cả người được chở và người chở đều bị phạt tiền với mức từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật”.

Xe gắn máy là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và là nguồn nguy hiểm cao độ. Bởi vì, khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

“a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập52
  • Hôm nay11,891
  • Tháng hiện tại388,434
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,408,820
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down