Chủ nhật, 05/01/2025, 22:22

Thừa kế nhà ở chưa được cấp giấy chứng nhận

Thứ tư - 19/10/2022 04:35 1.110 0

Ông nội em có căn nhà chưa làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu thì có thể để lại cho em theo di chúc hay không?

Nếu ông nội em đang vay của người khác một số tiền thì với tư cách người thừa kế căn nhà, em có phải thay mặt ông trả cho chủ nợ hay không?

Trả lời

Giao dịch về nhà ở bao gồm các hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở.

Theo khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:

“a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

c) Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”.

Một trong những điều kiện để nhà ở là đối tượng giao dịch chính là nhà ở đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, theo khoản 2 của Điều này, giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:

“a) Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;

b) Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương;

c) Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;

d) Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;

đ) Nhận thừa kế nhà ở;

e) Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.

Các giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Căn cứ quy định nêu trên, nhà ở là di sản thừa kế mà người chết để lại cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật không bắt buộc phải có giấy chứng nhận.

Trường hợp thừa kế nhà ở, theo khoản 8 Điều 72 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, phải có giấy tờ theo quy định sau đây để chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch thừa kế:

“a) Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện được tặng cho thì phải có văn bản hoặc hợp đồng tặng cho được lập hợp pháp kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho (nếu có);

b) Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện mua, thuê mua thì phải có hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hợp pháp kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở hoặc chứng minh việc đầu tư xây dựng nhà ở của bên bán, bên cho thuê mua;

c) Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện đầu tư xây dựng mới thì phải có Giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng) và giấy tờ chứng minh có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai của bên để thừa kế;

d) Nếu thừa kế nhà ở theo quyết định của Tòa án nhân dân thì phải có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân”.

Bạn được ông nội để lại thừa kế, ngoài di chúc thì tùy từng trường hợp cụ thể nêu trên cần có giấy tờ liên quan đến căn nhà tương ứng.

Về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.

Với tư cách người được thừa kế duy nhất theo di chúc căn nhà do ông nội chỉ định, bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản tiền ông nội bạn vay (tối đa bằng giá trị căn nhà) là đúng quy định của pháp luật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Image cannot be loaded
Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay7,759
  • Tháng hiện tại56,374
  • Tháng trước4,733,784
  • Tổng lượt truy cập7,798,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down