Tôi khởi kiện gia đình hàng xóm vì họ tự ý thu hẹp lối đi của nhà tôi qua đất của họ ra ngõ. Sau khi Tòa thụ lý, họ có đưa ra bằng chứng và yêu cầu ngược lại vì chủ cũ căn nhà tôi mua đã xây dựng lấn chiếm vào phần diện tích mà trước đó hai bên thỏa thuận dành cho việc đi lại này của gia đình chủ cũ.
Nếu tôi rút đơn khởi kiện, Tòa có đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hay không? Hệ quả của việc đình chỉ này là gì?
Trả lời
Quyền về lối đi qua được quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.
Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Trước tiên, để xác định chính xác, bạn cần kiểm tra thỏa thuận giữa chủ cũ căn nhà bạn mua lại và gia đình hàng xóm về nội dung này.
Nếu có tranh chấp về lối đi, các bên đều có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, một trong các trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, theo điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, là “người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.
Thông tin của bạn cho thấy, hàng xóm của bạn với tư cách là bị đơn đã có yêu cầu phản tố, đó là chủ cũ căn nhà bạn mua đã xây dựng lấn chiếm vào phần diện tích mà trước đó thỏa thuận với họ dành cho việc đi lại. Theo khoản 2 của Điều này, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
“a) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
c) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn”.
Nếu đúng như thông tin bạn cung cấp, Tòa án thụ lý vụ án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của bạn; bạn trở thành bị đơn và gia đình hàng xóm của bạn trở thành nguyên đơn trong trường hợp bạn rút đơn khởi kiện nhưng họ không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố.
Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 218 của Bộ luật này. Đó là:
“1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
4. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.
Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định tiếp tục, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tại phiên tòa, thẩm quyền này thuộc Hội đồng xét xử.
Lưu ý, nếu tại phiên tòa các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận này là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án.
Ý kiến bạn đọc