Thứ bảy, 27/04/2024, 06:52
hoagiaiocoso

Con sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế được hưởng thừa kế

Thứ hai - 20/06/2022 03:39 747 0

Cháu tôi sinh ra sau khi bố mẹ ly hôn được 08 tháng. Anh rể tôi cũng mất vào thời điểm đó, không để lại di chúc nên gia đình bên đó không có trách nhiệm gì với cháu, đặc biệt là không cho cháu được hưởng thừa kế của bố (bố cháu có tiền trong tài khoản ngân hàng).

Trong trường hợp này, quyền thừa kế của cháu tôi được xác định như thế nào? Liệu mẹ cháu có thể yêu cầu Tòa án nơi hai mẹ con đang sinh sống giải quyết đòi quyền lợi cho cháu hay không?

Trả lời

Theo quy định của pháp luật dân sự, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc đã thành thai trước khi người để lại di sản chết là người thừa kế.

Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc xác định cha, mẹ cho con như sau:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu không có chứng cứ và không được Tòa án xác định không phải con, cháu bé sinh ra sau khi bố mẹ ly hôn được 08 tháng (trong thời hạn 300 ngày) là con chung của hai người. Bố cháu chết không để lại di chúc, cháu là người được thừa kế tài sản theo quy định pháp luật của bố.

Theo Điều 649 Bộ luật dân sự năm 2015, “thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 651 của Bộ luật này theo thứ tự sau đây:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Cháu bé thuộc hàng thừa kế thứ nhất, trong mối quan hệ con đẻ của người để lại di sản.

Tranh chấp về hàng thừa kế là những tranh chấp về yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

Nếu gia đình bố đẻ cháu không cho cháu được thừa kế di sản, đại diện theo pháp luật của cháu, trong trường hợp này là mẹ của cháu có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế, trước tiên phải xác định được yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế của nguyên đơn có phải là tranh chấp về bất động sản không. Nếu yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế của nguyên đơn là tranh chấp về bất động sản thì Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền giải quyết khi tại địa bàn huyện có nhà đất của người để lại thừa kế; nếu di sản là bất động sản không nằm trên địa bàn huyện thì tòa án nhân dân huyện không có thẩm quyền giải quyết.

Nếu yêu cầu của nguyên đơn không phải là tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết được xác định theo Điều 39, Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (là Tòa án nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay10,525
  • Tháng hiện tại370,769
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,391,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down