Thứ bảy, 04/05/2024, 11:07
hoagiaiocoso

Hưởng án treo trong thời gian thử thách thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Thứ năm - 18/01/2024 23:13 79 0
Do vi phạm pháp luật và bị Tòa án tuyên phạt án treo. Xin hỏi trong thời gian này bản thân tôi có thể xin xuất cảnh ra nước ngoài thăm người thân được không?

Trả lời

Khoản 1 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định: “Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam”.

Theo khoản 1 Điều 33 của Luật này, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi năm 2023, công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

“a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng;

b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;

c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật”.

Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này gồm: “Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.

Như vậy, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.

Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về án treo như sau:

“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. 

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

Thi hành án treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền giám sát, giáo dục người bị kết án phạt tù được hưởng án treo trong thời gian thử thách. 

Theo Điều 87 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, người được hưởng án treo có các nghĩa vụ sau đây:

“1. Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này. 

2. Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

3. Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

4. Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này. 

5. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

6. Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình”.

Tóm lại, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách phải thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, trong đó có chịu sự giám sát, giáo dục trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án… Cho nên, pháp luật quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người được hưởng án treo trong thời gian thử thách.

Về thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, theo điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, “trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 36 của Luật này, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kết thúc khi người vi phạm, người có nghĩa vụ chấp hành xong bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này”.

Có nghĩa là, nếu không được hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh và không bị gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, khi hết thời hạn thì đương nhiên được hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay12,372
  • Tháng hiện tại50,060
  • Tháng trước409,419
  • Tổng lượt truy cập4,479,865
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down