Trả lời
Như chúng ta đã biết, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Theo khoản 3 Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, một trong những nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là “Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị”.
Về nguyên tắc, mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của pháp luật; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật.
Do vậy, công chức không được sử dụng xe công và các phương tiện công để tham gia các lễ hội, trừ trường hợp họ thuộc thành phần tham gia tổ chức hoặc được giao thực thi nhiệm vụ có liên quan.
Một trong các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, theo điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi”.
Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật được quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2018, được sửa đổi tại khoản 15 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019. Đó là:
“a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc”.
Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về giao, sử dụng tài sản công, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công còn bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.
Cụ thể, điểm c khoản 2 Điều 8 của Nghị định này quy định phạt tiền “từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô”.
Lưu ý, theo khoản 1 Điều 5 của Nghị định này (được sửa đổi tại khoản 3 Điều 4 nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ, “mức phạt tiền quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và mục 4 Chương II, mục 1 Chương III, mục 1 Chương IV, mục 1 và mục 2 Chương V Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (trừ quy định tại Điều 17, Điều 23, Điều 27 Nghị định này)”.
Tóm lại, tổ chức sử dụng xe ô tô công tham gia các lễ hội không đúng quy định bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Công chức vi phạm, ngoài bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức như trên, còn bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Ý kiến bạn đọc