Thứ tư, 18/12/2024, 10:37

76 NĂM NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM, 17 NĂM NGÀNH TƯ PHÁP LAI CHÂU - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG

Thứ năm - 26/08/2021 03:24 592 0
BBT. Năm 2021, ngành Tư pháp Việt Nam kỷ niệm 76 năm ngày thành lập (28/8/1945 – 28/8/2021) và ngành Tư pháp Lai Châu trải qua hơn 17 năm xây dựng và trưởng thành. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với đồng chí Lê Thanh Hải- Giám đốc Sở Tư pháp, sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Đồng chí Giám đốc có thể cung cấp cho độc giả một số thông tin về ngành Tư pháp Việt Nam nhân dịp 76 năm ngày thành lập?

Đồng chí Lê Thanh Hải (Đ/c LTH):  Ngành Tư pháp Việt Nam ra đời cùng với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập nên chỉ còn 3 ngày nữa là được tròn 76 năm tuổi (28/8/1945 - 28/8/2021). Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định rõ vai trò của công tác tư pháp trong hoạt động nhà nước và Bộ Tư pháp đã có mặt trong nội các của Chính phủ lâm thời, góp phần tích cực vào việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân mạnh mẽ và sáng suốt.

Trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ IV tháng 02 năm 1948, cũng như tại Hội nghị học tập của cán bộ Ngành Tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của Nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tư pháp đã nhanh chóng, khẩn trương tổ chức lại và điều hành khá thông suốt, linh hoạt hệ thống tư pháp kháng chiến gọn nhẹ. Bộ máy các cơ quan tư pháp và hệ thống pháp luật tố tụng được cải cách theo hướng tăng cường tính chất nhân dân của nền tư pháp, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án, đưa tư pháp về gần dân, huy động Nhân dân tham gia vào hoạt động tư pháp một cách thiết thực. Cùng với công tác tổ chức, Ngành Tư pháp luôn chăm lo công tác tuyển chọn, xây dựng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán, dự thẩm, công tố viên, luật sư… theo tinh thần “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Nhiều cán bộ tư pháp đã hy sinh tính mệnh của mình để góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc và đã được suy tôn là “Chiến sĩ trên mặt trận Tư pháp”…

Trong suốt những năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, Bộ Tư pháp được giao trọng trách xây dựng một nền tư pháp nhân dân, quản lý toàn diện các mặt hoạt động tư pháp, chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các Tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức Tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài...

Với những nỗ lực không mệt mỏi đó, đến nay, trải qua 76 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp không ngừng vun đắp, làm giàu thêm truyền thống và ngày càng nâng cao vị thế của Ngành. Các lĩnh vực hoạt động của Ngành Tư pháp được đẩy mạnh, đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.

Công tác hoàn thiện thể chế nói chung, thể chế trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành nói riêng đạt nhiều kết quả quan trọng. Cơ chế theo dõi thi hành pháp luật được hình thành, bước đầu được triển khai thực hiện có kết quả, thể hiện qua việc phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, nhân dân. Công tác hành chính tư pháp từng bước đi vào nền nếp, giải quyết một khối lượng lớn yêu cầu của người dân trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh. Công tác thi hành án dân sự đã có sự bền vững về kết quả thi hành án; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tư pháp... được thực hiện bài bản, có hiệu quả hơn. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ mới được giao như kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đạt được một số kết quả rõ rệt. Việc tham gia với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bước đầu đạt kết quả khích lệ... Những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được đã đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước. Vì vậy Bộ Tư pháp đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 01 lần được tặng thưởng Huân chương Sao vàng…

ttxvn 20201101 thi dua yeu nuoc nganh tu phap 5 1Ngành Tư pháp Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất tại Đại hội thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ V, giai đoạn 2020-2025

PVThưa đồng chí Giám đốc, thực tế là khi đề cập đến chăn nuôi, trồng trọt thì người ta nghĩ ngay đến ngành nông nghiệp, hoặc khi đề cập đến đất đai, khoáng sản là ngành tài nguyên & môi trường,… còn khi đề cập đến ngành Tư pháp thì nhiều người còn chưa thực sự hiểu. Có phải là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp năm 2013?

Đ/c LTH: Đây thực sự là câu hỏi rất lý thú, để lý giải rõ vấn đề cơ quan có tên là Tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp là một câu chuyện rất dài và cần có nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định ngay với bạn là Bộ Tư pháp và cơ quan Tư pháp các cấp ở địa phương không phải là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp năm 2013, cơ quan thực hiện quyền này phải là Tòa án nhân dân. Ở cấp tỉnh, Sở Tư pháp là cơ quan hành chính nhà nước, là một trong số các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

PV: Những công việc đó có vẻ như rất trừu tượng?

Đúng vậy, bạn có thể hình dung, do tính đặc thù, hoạt động của chủ yếu của ngành liên quan đến tư vấn, phản biện việc xây dựng chính sách như: thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan chuyên môn khác của UBND tỉnh soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh ban hành hoặc trước khi UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua, đảm bảo cho việc ban hành văn bản của HĐND, UBND tuân thủ đúng quy định của pháp luật; giúp UBND quản lý, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính; hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách là một lĩnh vực hoạt động mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, đưa các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đồng thời cũng là công cụ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm người yếu thế trong xã hội; thực hiện công tác công chứng, chứng thực nhằm đảm bảo an toàn cho công dân khi tham gia giao dịch, ký kết các hợp đồng dân sự; công tác đấu giá tài sản nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước ... Đặc biệt, một số hoạt động của ngành tư pháp lại gắn với nhân thân của mỗi công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết đi (đăng ký khai tử)...

Phạm vi, lĩnh vực hoạt động của ngành tư pháp rộng lớn như vậy, song những sản phẩm, kết quả hoạt động của Ngành thường chỉ một số ít lĩnh vực có thể định lượng một cách cụ thể, còn lại phần lớn kết quả hoạt động là mang tính lâu dài, thậm chí là gắn liền với sinh mệnh, theo suốt cả cuộc đời của một người nên khó có thể đong đếm được ngay kết quả bằng những con số.

PV: Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngành Tư pháp Việt Nam, đồng chí có thể cung cấp cho độc giả về hoạt động của ngành Tư pháp Lai Châu trong những năm qua?

Đ/c LTH: Nếu như so với 76 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành Tư pháp Việt Nam thì ngành Tư pháp Lai Châu còn quá non trẻ, được chia tách và đi vào hoạt động cùng với chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu nên đến nay mới được hơn 17 năm hoạt động. Tuy nhiên, kiểm điểm lại chặng đường hoạt động đã qua, có thể thấy rằng mặc dù còn có khó khăn về nhiều mặt nhưng với truyền thống và tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó nên từ khi được thành lập đến nay ngành Tư pháp Lai Châu đã đạt được những thành tích đáng tự hào trên mọi mặt hoạt động, công tác.

Trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp của buổi trao đổi này, thật khó để có thể thống kê hết được những kết quả mà ngành Tư pháp Lai Châu đã đạt được, nhưng có thể khẳng định rằng trong những năm qua chúng tôi đã làm hết sức mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã thẩm định gần 1500 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh ban hành hoặc để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua, các ý kiến thẩm định có tính phản biện cao, dựa trên các căn cứ khoa học, các quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn của tỉnh. Qua hai đợt tổng rà soát, đã tiến hành rà soát, tập hợp trên 30.000 văn bản các loại, trong đó có 1296 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để đăng tải, cập nhật công khai lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khai thức, sử dụng. Ngành tư pháp cũng đã thực hiện tốt công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện văn bản có dấu hiệu vi phạm, văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản thay thế, từ đó giúp cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng và đi vào nề nếp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Trong những năm qua, Sở Tư pháp cũng đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, đa dạng, phong phú và ngày càng đi vào chiều sâu, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn thực hiện một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cụ thể thông qua việc biên soạn và phát hành đề cương tuyên truyền, phổ biến các luật mới; phát hành hàng chục đầu sách với số lượng hàng vạn cuốn sách tìm hiểu pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua trang tin điện tử, đến nay đã thu hút hàng triệu lượt truy cập; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi viết với quy mô lớn thu hút hàng chục nghìn người tham gia, điển hình như: cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2005 được tổ chức năm 2007 có 12.886 bài dự thi; cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy được tổ chức năm 2010 có 18.592 bài dự thi, cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 được tổ chức năm 2014-2015 có 27.232 bài dự thi; cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy được tổ chức năm 2020 với 51.725 bài dự thi.

img 1312Đồng chí Nguyễn Quang Tản - Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu từ năm 2004-2017 tại Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ nhất

Tương tự như vậy đối với các nhiệm vụ khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành cũng được triển khai một cách đồng bộ như: Các hoạt động công chứng, chứng thực đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là hoạt động công chứng ngày càng được người dân, doanh nghiệp tin tưởng thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm phòng công chứng số 1 và các văn phòng công chứng tiến hành công chứng hàng nghìn hợp đồng, giao dịch, thu và nộp ngân sách hàng tỷ đồng. Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp chỉ có 03 biên chế với 02 đấu giá viên, song hàng năm đều tổ chức thành công hàng trăm cuộc đấu giá, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, song Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã tổ chức đấu giá thành 463 cuộc với giá khởi điểm của tài sản đấu giá: 190.919.846.650đ, giá bán tài sản đấu giá: 211.063.835.000đ, tăng thu cho ngân sách 20.143.988.350đ so với giá khởi điểm.

Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách cũng luôn được Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân, mỗi năm Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, giúp cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật. Đồng thời còn thực hiện tư vấn, đại diện bào chữa hàng trăm vụ việc cho các đối tượng có nhu cầu, nếu chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 264 vụ việc cho 264 đối tượng...

Các hoạt động trong các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tư pháp như cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký, quản lý hộ tịch, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính... đều được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Hằng năm, đều tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh như: kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực pháp luật về bảo trợ xã hội, nhà ở cho người có công; thi hành pháp luật trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh... Qua công tác kiểm tra đã kịp thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác theo dõi thi hành pháp luật và công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và lĩnh vực trọng tâm, liên ngành được kiểm tra nói riêng để các các cơ quan, đơn vị được kiểm tra có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp, các phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc kiến nghị, khiếu nại phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện chủ trương đầu tư dự án… dựa trên quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo lợi ích nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương …

Đồng chí Lê Thanh Hải - Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu từ 2017 đến nay tại Lễ công bố Quyết định thành lập Đảng bộ Sở Tư pháp

Trong 17 năm qua, chúng tôi đã có 05 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; có 03 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 04 lượt tập thể và 04 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; hàng chục lượt tập thể được UBND tỉnh và Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua xuất sắc; hàng chục tập thể và gần 100 lượt cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Tư pháp tặng bằng khen; trên 10 lượt cá nhân được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và cấp bộ... Đặc biệt tập thể Sở Tư pháp Lai Châu đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014 và đã được Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2021. Đó là những minh chứng cụ thể và sinh động nhất để khẳng định, đánh giá và ghi nhận kết quả mà ngành Tư pháp Lai Châu đã đạt được trong quá trình hoạt động.

PV: Giải pháp nào để có thể đạt được kết quả như đồng chí vừa nêu?

Đ/c LTH: Không có yếu tố nào quan trọng hơn công tác cán bộ! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy“Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém". Thấm nhuần lời dạy đó, thế hệ lãnh đạo Ngành tư pháp giai đoạn trước đây và thế hệ lãnh đạo ngành tư pháp chúng tôi ngày hôm nay luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, xây dựng dựng công chức, viên chức trong ngành vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngày đầu mới được thành lập chúng tôi chỉ có 8 công chức, người lao động (bao gồm cả công chức lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, lái xe, phục vụ) được điều động từ Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu (cũ) sang, đến nay qua quá trình thực hiện việc tuyển dụng kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Sở Tư pháp đã có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 38 công chức, viên chức và người lao động; trong đó có 05 công chức có trình độ thạc sĩ; còn lại các công chức, viên chức khác đều có trình độ đại học, chỉ còn lại 01 người là lái xe nên chưa có trình độ đại học; có 01 công chức ngạch chuyên viên cao cấp, 06 công chức ngạch chuyên viên chính.

Không chỉ quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ công chức Tư pháp cấp cơ sở. Đến nay, có 8/8 huyện, thành phố có cơ cấu Phòng Tư pháp, trong đó một số Phòng Tư pháp đã bố trí 5 công chức, trình độ chuyên môn cũng được nâng lên. Toàn tỉnh hiện nay có 203 công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn (trong đó có 99 xã, phường, thị trấn bố trí được 02 công chức).

Mặc dù với số lượng công chức, viên chức như vậy chưa phải là đã đủ biên chế theo yêu cầu của nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, song bù lại chúng tôi có đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn khá cao và đồng đều nên mới có thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

ccvc stp

Công chức viên chức người lao động Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu năm 2021

PV: Với cương vị là người đứng đầu, đồng chí cho biết dự định của mình để xây dựng ngành Tư pháp trong tình hình mới?

Đ/c LTH: Trong bối cảnh triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, ngành Tư pháp ngày càng được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, năm 2021 là năm đầu của triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, sắp xếp, bổ nhiệm, tuyển dụng, đào tạo công chức, viên chức có trình độ, có phẩm chất, có năng lực đảm bảo đáp ứng thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác tư pháp ở địa phương.

tu phap huyenSở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố gặp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp năm 2018

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, chúng tôi cần tổng kết, đánh giá, tự kiểm điểm, nhìn nhận lại mình xem những gì đã làm được, những gì chưa làm được và nguyên nhân để từ đó có thể xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển cho tương lai sao cho thiết thực, phù hợp. Trước tiên chúng tôi cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, tiếp tục phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời giáo dục cho công chức, viên chức trong ngành tiếp tục nêu cao nhận thức, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao chất lượng công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những kiến nghị, đề xuất với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành trung ương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm dần từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà ngành tư pháp đang phải đối mặt. Đặc biệt những việc mới được giao thêm cho ngành Tư pháp vừa là thách thức, vừa là cơ hội đòi hỏi tinh thần đoàn kết, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt khó đi lên của công chức, viên chức Ngành Tư pháp Lai Châu cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ Tư pháp, chúng tôi có quyền tin tưởng rằng mình sẽ hoàn thành tốt mục tiêu công việc đề ra.

PV: Xin chân thành cám ơn đồng chí đã dành thời gian cho buổi trao đổi này!

                                                                                                                                                  Nguyễn Thái Châu thực hiện

 

File đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down