Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đánh giá đạt chuẩn đô thị văn minh
Thứ hai - 22/08/2022 04:141.3410
Tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là một trong những mục tiêu hướng tới trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tiêu chí “xã đạt chuẩn tiếp cận” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thủ tướng chính phủ đã quyết định bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao (Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022) và nội dung “huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong tiêu chí Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công thuộc Bộ tiêu chí quốc về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022). Đồng thời, tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 cũng xác định tiêu chí “Quận (thị xã, thành phố) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là một nội dung thành phần của tiêu chí Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị trong đánh giá, xét công nhận quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.
Hiện nay, nội dung và cách thức đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để tạo cơ sở thực hiện đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật thống nhất trên cả nước, ngày 15/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1723/QĐ-BTP ban hành Hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật Tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 5 chỉ tiêu tương ứng với 100 điểm tập trung vào một số nhiệm vụ thuộc chức năng, trách nhiệm của chính quyền huyện trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; triển khai công tác tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể như sau: - Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành pháp luật trên địa bàn. - Công khai, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin. - Ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và hướng dẫn của cơ quan cấp trên. - Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. - Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính. Nội dung, cách tính điểm, tài liệu đánh giá của từng chỉ tiêu được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP kế đảm bảo gọn nhẹ, định lượng, phù hợp, khả thi.
Điều kiện công nhận cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật Điều kiện công nhận cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định dựa trên kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các đơn vị cấp xã trên địa bàn và kết quả thực hiện nội dung tiêu chí thuộc trách nhiệm của cấp huyện. Đồng thời, tương thích với điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn đô thi văn minh cũng như xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, cấp huyện được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng đủ 04 điều kiện: (i) Có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. (ii) Tổng số điểm của các chỉ tiêu đạt từ 90 điểm trở lên. (iii) Tổng số điểm của từng chỉ tiêu đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên. (iv) Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả Để đạt các yêu cầu theo nội dung 16.1 của tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” tại Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, xã phải có đồng thời mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Cụ thể như sau: Mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động hiệu quả phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: (i) Tiêu chí 2 “Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật” theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đạt điểm số tối đa; (ii) Huy động được nguồn lực hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (iii) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng; trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này. Mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: (i) 100% tổ hòa giải của xã được hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên đúng quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở; (ii) Có hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải (ii) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng; trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này. Bên cạnh đó, Hướng dẫn còn quy định cụ thể cách tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải thành; tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu tại nội dung 16.1, 16.2 của tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” tại Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Về cách thức đánh giá Số liệu phục vụ chấm điểm tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đánh giá. Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao được thực hiện thống nhất trong quy trình chung về đánh giá địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao (đối với huyện, xã) và quy trình về đánh giá đạt chuẩn đô thị văn minh (đối với quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh) theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg mà không thiết kế thành quy trình riêng nhằm giảm thiểu công việc, không tạo áp lực, phù hợp với điều kiện tinh gọn bộ máy tổ chức, biên chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp nghiên cứu, giải quyết./.