Thứ bảy, 21/12/2024, 20:53

Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 17/04/2024 02:55 485 0
Ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số: 04/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của đa số nhân dân, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng: Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên; diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn....
Theo đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra (đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 54/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố Lai Châu duy trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có thêm 03 huyện: Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 17,3 tiêu chí/xã và không còn xã dưới 15 tiêu chí, 25% số bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của tỉnh), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể 2 tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phát huy vai trò là cơ quan thường trực Chương trình, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện tại các huyện, thành phố và các xã; kịp thời tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh các văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đến từng xã, từng tiêu chí. Xác định các tiêu chí cần đạt trong năm cho từng xã để tập trung nguồn lực, chỉ đạo thực hiện, đảm bảo phải thực hiện đạt các tiêu chí đã xác định.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, xác định nhu cầu, nội dung đầu tư, kinh phí thực hiện, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đạt được các tiêu chí đề ra 
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn lực đầu tư của Chương trình; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án để hỗ trợ cho các huyện, thành phố hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí cần kinh phí để thực hiện (giao thông; y tế; cơ sở vật chất trường học; cơ sở vật chất văn hoá; môi trường và an toàn thực phẩm…).
3. Sở Tài chính Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối, phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương theo hướng ưu tiên nhất cho các nội dung để đạt mục tiêu theo kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
4. Các sở, ngành được giao phụ trách các tiêu chí
- Căn cứ chỉ tiêu đến năm 2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Kế hoạch 2496/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2022 chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung rà soát, đánh giá nội dung tiêu chí do ngành phụ trách, xác định các nội dung cần phải thực hiện để đạt tiêu chí (ở mức tối thiểu), hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố sử dụng lồng ghép các nguồn vốn triển khai thực hiện. Đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh các giải pháp triển khai thực hiện đảm bảo đạt các tiêu chí. 
- Thống nhất với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc đánh giá, tổng hợp tiêu chí được giao đến từng chỉ tiêu thành phần. Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tiêu chí về cơ quan thường trực để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện tiêu chí được giao.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện tại các huyện, thành phố và các xã; báo cáo kết quả thực hiện đột xuất và định kỳ hàng quý về Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Lên hiệp phụ nữ các cấp
- Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Thanh niên khởi nghiệp”; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động trồng cây phủ đất trống, làm xanh hoá vườn, cải tạo vườn tạp, hàng rào, cổng, ngõ; trồng cây xanh ven đường, tham gia xây dựng các tuyến đường hoa… ở địa bàn nông thôn; giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp; phân loại và thu gom rác thải đúng quy định; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
6. Đề nghị các Huyện ủy, Thành ủy tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra; Hội đồng nhân dân huyện, thành phố tổ chức giám sát việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
- Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc cấp huyện, xã, thôn bản. Ban Chỉ đạo cấp huyện phải bám sát địa bàn xã; Ban chỉ đạo cấp xã bám sát địa bàn thôn bản; Ban quản lý thôn bản phải bám sát tới từng hộ dân. Phát huy mạnh mẽ tinh thần xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư và từng hộ dân.
- Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đặc biệt là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 
- Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện, xã, thôn bản với những nội dung thiết thực, có sức lan tỏa để phong trào thi đua được sâu rộng, hiệu quả và tạo hiệu ứng thi đua trong cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
- Rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết đến từng xã, từng tiêu chí theo lộ trình cụ thể. Xác định các tiêu chí cần đạt trong từng năm, phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện đảm bảo đạt nội dung tiêu chí.
- Chỉ đạo các xã đã được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới tập trung nguồn lực để giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt.
- Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung cần đạt, các tiêu chí cần nguồn lực để thực hiện đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 và giai đoạn 2021-2025. Bố trí vốn đối ứng và dành tối thiểu 50% tiền thu sử dụng đất (theo quy định tại Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh) cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Rà soát danh mục dự án đầu tư công trung hạn trên địa bàn, nghiên cứu tạm dừng các dự án chưa thật sự cần thiết để ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án, Chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện đạt các chỉ tiêu còn thiếu; lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo các chương trình, đề án của tỉnh, tạo sản phẩm hàng hoá có giá trị, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng thực chất; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân, hoàn thành tiêu chí giảm nghèo và thu nhập.
- Lựa chọn xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới (điển hình về một hay một số tiêu chí nông thôn mới) để tập trung chỉ đạo đạt kết quả nổi bật, tạo điểm nhấn, từ đó nhân rộng ra các xã tại địa phương, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 tháng 4 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu được giao. Trường hợp thực hiện không đảm bảo chỉ tiêu, báo cáo kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong đó nêu rõ lý do thực hiện không đảm bảo để có các giải pháp tháo gỡ, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. 
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down