Thứ năm, 12/09/2024, 12:15

Kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền số gắn kết với cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021

Chủ nhật - 11/04/2021 23:32 470 0
Ngày 09/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 900/KH-UBND về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền số gắn kết với cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021.
Kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển  Chính phủ điện tử, chính quyền số gắn kết với cải cách hành chính  trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong cứ Kế hoạch hành động số 1275/KH-UBND ngày 05/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 trong năm 2021; Tiếp tục xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo môi trường thuận lợi để người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế số; Đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử tỉnh, phát triển Chính quyền số; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số với cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ hữu hiệu, thúc đẩy cải cách hành chính.
Theo đó, Kế hoạch đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số một cách thiết thực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Đề cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại ngành mình, cấp mình.
2. Đẩy mạnh triển khai hình thức họp trực tuyến; triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đến các hệ thống mạng của các cơ quan trong tỉnh. Rà soát và triển khai mở rộng, kết nối mạng đến cấp phường, xã và các đối tượng theo yêu cầu, phù hợp với phạm vi và tính chất ứng dụng của Chính quyền điện tử, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, kết nối, an toàn thông tin; mở rộng ứng dụng họp trực tuyến trong điều hành công việc theo Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
3. Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 29/01/2021 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trên Hệ thống Phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu ban hành kèm theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh Lai Châu. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, bảo đảm đạt tỷ lệ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư; đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng của ngành tài chính; cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội; tài nguyên môi trường... phục vụ chia sẻ, kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến - hệ thống một cửa điện tử tỉnh. Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin theo khu vực thực hiện thuê dịch vụ của các nhà cung cấp hàng đầu tại Việt Nam nhằm khai thác sử dụng hiệu quả hạ tầng hiện có, đồng thời tăng cường khả năng bảo mật, sao lưu, phòng chống thảm họa, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn thông tin, an ninh mạng của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Xây dựng các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số.
5. Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tổ chức triển khai đạt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức trên địa bàn xã thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích cá nhân, tổ chức đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính đăng ký, sử dụng kết quả chứng thực điện tử để nộp hồ sơ trực tuyến; chỉ tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 giữa các cơ quan nhà nước khi nộp trực tuyến, không tiếp nhận hồ sơ nộp trực tiếp.
6. Hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống nền tảng, hệ thống phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh, phát triển Chính quyền số của tỉnh; đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
7. Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về Chuyển đổi số đặc biệt là Chính quyền số, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đối với người dân, doanh nghiệp).
8. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.
9. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số  trong công tác lãnh đạo, quản lý và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Từ đó có sự chỉ đạo và thực hành quyết liệt của lãnh đạo để hỗ trợ và ủng hộ các chương trình, kế hoạch gắn với xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số ở các cấp, các ngành.
Kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down