Thứ bảy, 21/12/2024, 12:12

Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023

Thứ ba - 01/08/2023 09:48 359 0
Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 gồm 7 chương, 54 điều có một số điểm mới so với luật hiện hành. Luật Giao dịch điện tử năm 2023 kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có nhiều điểm mới đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số tất cả ngành, lĩnh vực. Cụ thể:

Một là, về phạm vi điều chỉnh, Luật Giao dịch điện tử giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số. Theo đó, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Hai là, luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “dấu thời gian”, “hợp đồng điện tử”, “dữ liệu số”, “dữ liệu chủ”, “môi trường điện tử”, “chứng thư điện tử”, “dịch vụ chứng thực chữ ký số”, “người trung gian”...

Theo Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023:

 Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.

Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.
Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu…

Ba là, về hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, luật quy định chi tiết cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật.

Cụ thể, Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về những hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật.

Các hành vi bị cấm bao gồm:

Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định.

Bốn là, về thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế.

Thêm một điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 là việc bổ sung thêm quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Theo khoản 2 Điều 12 của Luật Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;

Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;

Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.

Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình.

Năm là, về chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài....

Theo Điều 23 của Luật về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử thì:

Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử.

Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.

Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.

Luật cũng quy định, chữ ký số là chữ ký điện tử đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu; Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận; Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký; Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện; Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.

Sáu làvề giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Luật quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo Điều 36 của Luật quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử:

Các bên có quyền thỏa thuận sử dụng thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử một phần hoặc toàn bộ trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bảy là, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước gồm: Giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; Giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau; Giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về dữ liệu mở, Điều 43 của Luật quy định, Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Cơ quan nhà nước công bố dữ liệu mở để cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, Điều 44 của Luật quy định như sau:

Cơ quan nhà nước phải bảo đảm kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc kết quả hoạt động công vụ khác không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy, có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh. Cơ quan nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Cơ quan nhà nước phải sẵn sàng phương án trong tình huống khẩn cấp, trong tình huống xảy ra sự cố gián đoạn hoạt động trên môi trường mạng trực tuyến và phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, duy trì hoạt động giao dịch bình thường.
Cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Tám làvề hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử so với Luật Giao dịch điện tử (năm 2005), Luật Giao dịch điện tử mới đã bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quán hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đặc biệt là với các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam lớn và rất lớn...

Theo đó, Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử được phân loại theo chủ quản hệ thống thông tin; chức năng, tính năng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam.

Về tài khoản giao dịch điện tử Luật quy định: Tài khoản giao dịch điện tử được sử dụng để thực hiện giao dịch điện tử, nhằm lưu trữ lịch sử giao dịch và bảo đảm chính xác trình tự giao dịch của chủ tài khoản, có giá trị chứng minh lịch sử giao dịch của các bên tham gia theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down