Thứ sáu, 26/04/2024, 15:33
hoagiaiocoso

Xử lý hành vi tổ chức cá độ bóng đá trái phép

Thứ năm - 01/12/2022 04:04 248 0

Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) năm 2022 đang diễn ra tại Quatar, tôi thấy có việc tổ chức cá độ ăn tiền, bao gồm cả trực tiếp và online.

Xin hỏi các anh chị, hoạt động này có được pháp luật cho phép hay không? Nếu không, người tổ chức cá độ bóng đá bị xử lý như thế nào?

Trả lời

Pháp luật hiện nay đã có quy định về đặt cược, trong đó có đặt cược bóng đá quốc tế và kinh doanh đặt cược.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ, “Đặt cược là trò chơi giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao, giải trí được sử dụng để kinh doanh đặt cược. Người tham gia dự đoán đúng sẽ được trả thưởng bằng tiền hoặc bằng hiện vật, dịch vụ có thể quy ra thành tiền dựa trên kết quả của sự kiện đó khi kết thúc theo Thể lệ đặt cược”.

Tại khoản 2 của Điều này quy định: “Kinh doanh đặt cược là việc tổ chức, cung cấp sản phẩm đặt cược cho người chơi theo nguyên tắc người chơi bỏ tiền ra mua vé đặt cược và được doanh nghiệp kinh doanh đặt cược trả thưởng khi trúng thưởng theo quy định tại Nghị định này”.

Tuy nhiên, kinh doanh đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược mới được kinh doanh hoạt động này.

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm, theo khoản 1 Điều 4 của Nghị định này là “Kinh doanh đặt cược khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược”. Ngoài ra, pháp luật hiện nay cũng nghiêm cấm kinh doanh đặt cược không đúng với nội dung được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh; tham gia đặt cược khi không thuộc đối tượng được phép tham gia đặt cược…

“Bóng đá quốc tế” là các trận đấu, giải thi đấu bóng đá được tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc được các tổ chức quốc tế đứng ra tổ chức trong lãnh thổ Việt Nam.

Mặc dù đã có quy định như trên, nhưng hiện nay chưa có doanh nghiệp nào được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Cho nên, tổ chức, cá nhân nào thực hiện hoạt động này là có hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả sẽ bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Trường hợp bị xử lý hành chính:

Theo điểm d khoản 5 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, hành vi “Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu là người nước ngoài còn bị trục xuất khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

- Trường hợp bị xử lý hình sự:

Người vi phạm phải chịu trách nhiệm về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay16,322
  • Tháng hiện tại361,803
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,382,189
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down