Hỏi đáp pháp luật về phòng chống mua bán người (Phần 1)
Câu 1 Luật phòng, chống mua bán người quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm? Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ chín ngày 29/3/2011, Điều 3 của Luật quy định 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1.Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự.
2.Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3.Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4.Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5.Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
6.Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.
7.Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
8.Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.
9.Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
10.Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
11.Giả mạo là nạn nhân.
12.Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.
Người có hành vi vi phạm các quy định cấm nêu trên, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Câu 2.Đề nghị cho biết Luật phòng, chống mua bán người quy định nguyên tắc phòng, chống mua bán người như thế nào?
Trả lời:
Nguyên tắc phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 4 Luật phòng, chống mua bán người, gồm 05 nguyên tắc cơ bản sau:
1.Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người.
2.Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân.
3.Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.
4.Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người.
5.Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.
Câu 3. Nhà nước thực hiện chính sách gì để ngăn chặn, đấu tranh chống mua bán người?
Trả lời:
Mua bán người là hành vi vô nhân đạo, coi con người như một món hàng hoá để trao đổi, khai thác, sinh lợi, một tội ác cần lên án, đấu tranh. Để ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống mua bán người, Nhà nước thực hiện các chính sách sau:
– Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế – xã hội.
– Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
– Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
– Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.
Đồng thời, để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, Nhà nước thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Câu 4.Nạn nhân của bạo lực gia đình có những quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời:
Với những tình tiết trên, cháu ông (bà) được xác định là nạn nhân trong vụ mua bán người. Theo quy định tại Điều 6 Luật phòng, chống mua bán người, nạn nhân có những quyền và nghĩa vụ sau:
– Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và tài sản.
– Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định.
– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
– Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
– Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.
Như vậy, cháu ông (bà) sẽ được Nhà nước hỗ trợ các khoản cần thiết như: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, chi phí đi lại trong thời gian giải cứu và đưa về gia đình); hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn sau khi đã được giải cứu nhằm ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống, giúp tái hoà nhập cộng đồng.
Đồng thời, cháu ông (bà) hoặc người đại diện của cháu còn được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bắt kẻ phạm tội phải bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, sức khoẻ, tinh thần do hành vi mua bán gây tổn thất này cho cháu.
Câu 5.Pháp luật có quy định gì về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người?
Trả lời:
Để phòng, chống mua bán người hiệu quả, bên cạnh việc phát hiện, đấu tranh và trừng trị tội phạm mua bán người thì công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mua bán người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác của cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Điều 7 Luật phòng, chống mua bán người quy định nội dung và hình thức thực hiện thông tin, tuyên truyền, giáo dục như sau:
1.Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bao gồm:
– Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;
– Thủ đoạn và tác hại của các hành vi quy định tại Điều 3 của Luật;
– Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;
– Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người;
– Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người;
– Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân;
– Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.
2. Việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục được thực hiện bằng các hình thức:
– Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp;
– Cung cấp tài liệu (cung cấp tờ rơi, tờ gấp, tài liệu văn bản, đĩa hình, đĩa tiếng…);
– Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (phát trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, Đài phát thanh, truyền hình ở địa phương và trung ương, Đài tiếng nói Việt Nam, các loại báo – báo in, điện tử….);
– Thông qua hoạt động tại các cơ sở giáo dục (giáo dục trong các trường học chính quy, trường công lập, trường giáo dưỡng, trường học nghề, trong các khu cải tạo, giam giữ…);
– Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá khác;
– Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
– Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục còn thực hiện thông qua mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở, thành viên của các đoàn thể xã hội.
Đối tượng cần được tăng cường tuyên truyền là phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người.