Chủ nhật, 28/04/2024, 12:46
hoagiaiocoso

Hỏi đáp pháp luật về mua bán người (Phần 2)

Chủ nhật - 04/12/2022 22:53 2.097 0
Câu 6.Pháp luật quy định như thế nào để quản lý an ninh, trật tự để ngăn ngừa đối tượng cư trú trái phép?
Trả lời:
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội mua bán người trong những năm qua cho thấy, đối tượng mua bán người thường không chấp hành các quy định về khai báo tạm trú để luồn lách vào nhân dân, ăn ở trong nhà dân mà không khai báo, lấy lòng tin và tiến hành việc lừa đảo. Đồng thời việc khai báo tạm vắng cũng không được người dân chấp hành nghiêm túc theo quy định pháp luật nên đã xảy ra tình trạng nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nơi họ thường trú mà chính quyền không biết.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và ngăn ngừa đối tượng lợi dụng quy định pháp luật về khai báo tạm trú, tạm vắng để thực hiện hành vi mua bán người, Điều 9 Luật phòng, chống mua bán người quy định công tác quản lý về an ninh, trật tự như sau:
Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, tăng cường kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn.
1.Giám sát các đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người và các đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người.
2.Quản lý và sử dụng có hiệu quả các thông tin về tàng thư, căn cước, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.
3.Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, hải đảo và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.
4.Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.
5.Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý và kiểm soát các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh.
6.Phối hợp với các cơ quan chức năng của nước có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.
Câu 7.Đề nghị cho biết pháp luật quy định việc quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như thế nào nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng các hoạt động này vào mục đích mua bán người?
Trả lời:
Đối tượng mua bán người thường lợi dụng việc cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; kết hôn với người nước ngoài; tham quan, du lịch… để lừa bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục hoặc cưỡng bức lao động. Để ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ này vào mục đích mua bán người, Điều 10 Luật phòng chống mua bán người quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi mua bán người.
Câu 8.Xin hỏi, Luật phòng chống mua bán người quy định gia đình có trách nhiệm như thế nào trong đấu tranh, phòng ngừa mua bán người?
Trả lời:
Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ thành viên gia đình không trở thành nạn nhân của mua bán người. Trên thực tế, phụ nữ, trẻ em bị mua bán không chỉ do nhận thức của họ hạn chế, mà trong nhiều trường hợp xuất phát từ gia đình (do kém hiểu biết, thiếu thông tin hoặc lơi lỏng quản lý) mà vô tình cha mẹ đã đẩy con, em mình thành nạn nhân của mua bán người.
Xuất phát từ đòi hỏi công tác phòng, chống mua bán người cần sự tham gia của cả cộng đồng, Luật phòng, chống mua bán người đã quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Theo đó, trách nhiệm của gia đình được quy định tại Điều 13, gồm 4 nội dung cơ bản sau:
– Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người.
– Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người.
– Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.
– Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.
Câu 9.Xin cho biết pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của nhà trường trong công tác phòng ngừa mua bán người?
Trả lời:
Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo có vai trò quan trọng trong việc quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian học và giáo dục cho các em hình thành nhân cách, trang bị cho các em tri thức để bước vào tương lai, dạy các em kiến thức biết tự bảo vệ bản thân mình trước những thủ đoạn của kẻ xấu, trong đó có tội phạm mua bán người.
Để tăng cường vai trò của nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trong công tác phòng ngừa mua bán người, Luật phòng, chống mua bán người quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc tham gia phòng ngừa mua bán người tại Điều 14 như sau:
– Quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên.
– Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học.
– Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, học nghề, hoà nhập cộng đồng.
– Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.
Câu 10.Xin hỏi, theo Luật phòng, chống mua bán người, các tổ chức, cơ sở dịch vụ có trách nhiệm gì trong việc phòng ngừa mua bán người?
Trả lời:
Điều 15 Luật phòng, chống mua bán người quy định: Các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm; đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài; tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người có trách nhiệm:
+ Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương;
+ Nắm thông tin về đối tượng được cung cấp dịch vụ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phối hợp quản lý;
+ Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người;
+ Phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của tổ chức, cơ sở mình.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay11,805
  • Tháng hiện tại385,726
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,406,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down