Thứ bảy, 21/12/2024, 06:55

Hỏi đáp pháp luật về phòng chống mua bán người phần 3

Chủ nhật - 04/12/2022 22:58 1.085 0
Câu 11.Trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người, khi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì các cơ quan truyền thông phải tuân theo quy định nào?
Trả lời:
Trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người, khi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì các cơ quan truyền thông phải tuân theo quy định tại Điều 16 Luật phòng, chống mua bán người như sau:
– Đưa tin kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; phản ánh trung thực về tình hình mua bán người và công tác phòng, chống mua bán người; nêu gương các điển hình tiên tiến trong phòng, chống mua bán người, mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả.
– Giữ bí mật thông tin về nạn nhân.
– Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với các chương trình thông tin, tuyên truyền khác.
Câu 12.Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 17 Luật phòng, chống mua bán người quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:
– Tổ chức và phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, tích cực phát hiện, tố giác, tố cáo, ngăn chặn hành vi mua bán người quy định tại Điều 3 của Luật.
– Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp cần thiết nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi mua bán người quy định tại Điều 3 của Luật.
– Tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người.
– Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
– Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Câu 13. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết nạn nhân của mua bán người là phụ nữ. Đề nghị cho biết Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm gì trong công tác phòng, chống mua bán người?
Trả lời:
Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng mua bán người đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, trong đó Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là tổ chức chính trị – xã hội tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ, hoạt động vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ…Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm được quy định tại Điều 18 Luật phòng, chống mua bán người, gồm:
– Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ và trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
– Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.
– Thực hiện trách nhiệm khác (như: tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người; tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng hay giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người).
Câu 14. Đề nghị cho biết cơ quan nào có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người?
          Trả lời:
Điều 20 và Điều 21  Luật phòng, chống mua bán người quy định:
– Mọi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi vi phạm các quy định nghiêm cấm tại Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra chủ động phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý hành vi vi phạm các quy định nghiêm cấm tại Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người.
– Cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ phòng, chống mua bán người có trách nhiệm: Áp dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát theo quy định hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người; Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân, người tố giác, người làm chứng, người thân thích của họ khi bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và tài sản.
Câu 15. Đề nghị cho biết thủ tục tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Nạn nhân bị mua bán mà tự giải thoát được thì có thể trực tiếp hoặc nhờ người đại diện hợp pháp của mình đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp họ chưa có một trong các giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân.
Sau khi tiếp nhận, căn cứ vào giấy tờ, tài liệu theo quy định pháp luật (như: giấy xác nhận của cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; giấy xác nhận của cơ quan giải cứu, giấy xác nhận của cơ quan điều tra…) hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đối với người chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an cùng cấp tiến hành việc xác minh.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cùng cấp có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp có đủ điều kiện xác định là nạn nhân thì cơ quan đã tiến hành xác minh cấp giấy xác nhận nạn nhân cho họ.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay7,598
  • Tháng hiện tại208,894
  • Tháng trước474,973
  • Tổng lượt truy cập7,636,687
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down