Thứ bảy, 21/12/2024, 06:36

Hỏi đáp pháp luật về mua bán người (phần 4)

Chủ nhật - 04/12/2022 23:02 788 0
Câu 15. Đề nghị cho biết thủ tục tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Nạn nhân bị mua bán mà tự giải thoát được thì có thể trực tiếp hoặc nhờ người đại diện hợp pháp của mình đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp họ chưa có một trong các giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân.
Sau khi tiếp nhận, căn cứ vào giấy tờ, tài liệu theo quy định pháp luật (như: giấy xác nhận của cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; giấy xác nhận của cơ quan giải cứu, giấy xác nhận của cơ quan điều tra…) hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đối với người chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an cùng cấp tiến hành việc xác minh.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cùng cấp có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp có đủ điều kiện xác định là nạn nhân thì cơ quan đã tiến hành xác minh cấp giấy xác nhận nạn nhân cho họ.
 Câu 16. Pháp luật quy định việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu như thế nào?
Trả lời:
Thủ tục tiếp nhận, xác minh nạn nhân mua bán người sau khi được giải cứu quy định tại Điều 25 Luật phòng, chống mua bán người.
Theo đó, ngay khi giải cứu được nạn nhân, Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong trường hợp cần thiết (ăn, mặc) và chuyển ngay người đó đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội gần nơi nạn nhân được giải cứu.
Cơ quan giải cứu có trách nhiệm cấp giấy xác nhận nạn nhân cho người được giải cứu trước khi chuyển giao; trường hợp người được giải cứu chưa được xác nhận là nạn nhân do chưa có đủ cơ sở thì sau khi tiếp nhận, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh nạn nhân.
Sau khi tiếp nhận nạn nhân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trở về nơi cư trú. Nếu nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân đến nhận hoặc đưa về nơi người thân thích cư trú hoặc chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân khi trẻ em đó không có nơi nương tựa.
Trường hợp nạn nhân chưa được cơ quan giải cứu xác nhận là nạn nhân, thì  Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân.
Câu 17. Việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?
Trả lời:
Việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 26 Luật phòng, chống mua bán người, thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa họ về nước.
Câu 18. Căn cứ xác định nạn nhân của mua bán người?
Trả lời:
Để xác định một người có phải là nạn nhân của mua bán người không, cần căn cứ vào các quy định tại Điều 27 của Luật phòng, chống mua bán người.
Theo đó, một người có thể được xác định là nạn nhân khi có một trong những căn cứ sau:
– Người đó là đối tượng bị mua bán, chuyển giao, tiếp nhận nhằm sử dụng vào mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác
– Người đó là đối tượng bị tuyển mộ, vận chuyển, chứa để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Câu 19. Để xác định là nạn nhân của mua bán người thì cần có các giấy tờ, tài liệu nào?
Trả lời:
Để chứng nhận nạn nhân của mua bán người, theo quy định tại Điều 28 Luật phòng, chống mua bán người, các giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân gồm có:
– Đối với người tự mình giải thoát được và đến cơ quan chức năng khai báo, thì trong thời hạn luật quy định, sau khi tiến hành xác minh, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ cấp Giấy xác nhận nạn nhân.
– Đối với người được cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển giải cứu thì các cơ quan này có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận nạn nhân cho người được giải cứu.
– Đối với người bị mua bán ra nước ngoài: Các giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hoá lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.
Ngoài ra, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cũng có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nạn nhân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Câu 20. Pháp luật có quy định gì để bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của nạn nhân?
Trả lời:
Nạn nhân bị mua bán và người thân thích của nạn nhân không nên lo sợ bị trả thù hoặc vì lời đe doạ của kẻ phạm tội mà không tố cáo hành vi phạm tội, bởi nếu khống tố cáo tội phạm thì chúng không bị pháp luật xử lý và càng gây thêm nhiều tội ác, đồng thời bản thân nạn nhân và gia đình luôn sống trong âu lo, sợ hãi. Do vậy, việc tố cáo tội phạm là cần thiết, đây không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của nạn nhân và người thân thích của nạn nhân để pháp luật xử lý kẻ phạm tội và răn đe, ngăn ngừa người khác phạm tội.
Nạn nhân và người thân thích của nạn nhân sẽ được Nhà nước áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn để tránh bị trả thù. Điều 30 Luật phòng, chống mua bán người quy định các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích như sau:
– Bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe;
– Giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ;
– Các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật;
– Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Câu 21.Pháp luật quy định về đối tượng hỗ trợ và chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân mua bán người như thế nào?
Trả lời:
Việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của tội phạm nói chung và của tội mua bán người nói riêng là cần thiết nhằm tránh cho nạn nhân khỏi bị tổn thương về thể chất và tinh thần, để họ dễ dàng hòa nhập lại với cuộc sống cộng đồng và đây là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.
Điều 32 Luật phòng, chống mua bán người quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân mua bán người như sau:
– Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây:
+ Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại: được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khoẻ của nạn nhân. Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ các khoản chi phí này.
+ Hỗ trợ y tế. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nếu nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.
+ Hỗ trợ tâm lý. Trong trường hợp nạn nhân bị trấn động tâm lý, hoang mang lo sợ, tâm trạng bất ổn thì sẽ được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
+ Trợ giúp pháp lý. Nạn nhân được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.
Ngoài ra, nạn nhân còn được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
– Đối với nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tuỳ trường hợp được hưởng các chế độ hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí trở về nước, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý.
– Đối với người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, thì tuỳ trường hợp được hưởng chế độ hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay7,407
  • Tháng hiện tại208,703
  • Tháng trước474,973
  • Tổng lượt truy cập7,636,496
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down