Trình tự, thủ tục đổi họ tên và dân tộc
Vợ chồng ông B, bà C cư trú tại xã X, huyện Z, tỉnh Lai Châu, dân tộc Thái. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con nên vợ chồng ông bà đồng ý cho con trai là cháu H – 3 tuổi, là con thứ bảy của ông bà làm con nuôi vợ chồng ông M, bà K, hiện đang cư trú tại xã Y, huyện Z, tỉnh Lai Châu. Để sau này cháu H lớn lên gắn bó tình cảm gia đình với cha mẹ nuôi, vợ chồng ông M, bà K muốn đổi họ tên cũng như dân tộc của cháu theo họ, dân tộc của cha nuôi thì có được không? Nếu được, thì trình tự, thủ tục được thực hiện như thế nào?
Trả lời:Họ, tên và dân tộc là những đặc điểm nhân thân cơ bản, có tính ổn định, thể hiện nguồn gốc và huyết thống của mỗi cá nhân, gắn liền với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời, được xác định trên Giấy khai sinh và chỉ có thể thay đổi trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định.- Đối với việc thay đổi họ, tên: Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi.Cũng tại Khoản 2 Điều 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.” Như vậy sau khi nhận nuôi con nuôi thì ông M, bà K có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi họ tên của con nuôi là cháu H. Để làm thay đổi họ, tên của cháu H, ông bà có thể đến UBND cấp xã, nơi cháu đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cháu để đề nghị giải quyết.- Đối với việc thay đổi dân tộc của cháu H:Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.Theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.Như vậy, pháp luật không quy định việc cho phép xác định lại dân tộc của một người từ dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi. Chính vì vậy, ông M, bà K không thể đề nghị cơ quan nhà nước thay đổi dân tộc của cháu H.Hướng Dương