Thứ tư, 24/04/2024, 20:32
hoagiaiocoso

Không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc

Chủ nhật - 19/06/2022 23:21 259 0

Ông nội cháu đang điều trị bệnh tại nhà nên không thể đến Văn phòng công chứng để công chứng di chúc.

Cháu đã đủ 18 tuổi, không biết ông nội cháu có thể ủy quyền cho cháu làm thay được hay không?

Trả lời

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

Theo Điều 628 của Bộ luật này, di chúc bằng văn bản bao gồm:

“1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực”.

Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc di chúc phải được lập thành văn bản. Trường hợp không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản có thể có hoặc không có người làm chứng, có công chứng hoặc chứng thực, tùy điều kiện và yêu cầu của người lập di chúc, đáp ứng nội dung, hình thức theo quy định của pháp luật sẽ phát sinh hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế.

Thông tin của bạn cho thấy, ông nội bạn lập di chúc và yêu cầu có công chứng.

Theo khoản 3 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, “Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này”.

Cụ thể, Điều 56 của Luật này quy định về công chứng di chúc như sau:

“1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.

3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó”.

Vì vậy, là người lập di chúc để lại di sản của mình, ông nội bạn phải tự mình yêu cầu công chứng, không được ủy quyền cho người khác. Đồng nghĩa, mặc dù là cháu đích tôn, bạn không thể nhận ủy quyền để công chứng di chúc thay cho ông.

Về nguyên tắc, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 44 của Luật này, “việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”. Cho nên, nếu ông nội bạn đang điều trị bệnh tại nhà, ông có thể yêu cầu và thực hiện công chứng di chúc tại nhà mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay16,474
  • Tháng hiện tại332,526
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,352,912
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down