Trẻ mồ côi được hưởng mức trợ cấp xã hội hàng tháng như thế nào
Cháu T năm nay 12 tuổi, gia đình cháu thuộc diện hộ nghèo. Vừa qua, bố mẹ cháu khi đi thăm họ hàng đã bị tai nạn giao thông và qua đời. Cháu T có hai người thân là cô ruột và cậu ruột nhưng gia đình họ đều đông con và rất khó khăn. Nếu T được cô hoặc cậu nhận chăm sóc thay thế thì em có được hưởng trợ cấp gì không? Cụ thể là như thế nào?
Trả lời:
- Khoản 3 Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định “Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
- Điều 24 Luật trẻ em 2016 quy định quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi “Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
- Khoản 1 Điều 62 Luật trẻ em 2016 quy định các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế “1. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa”.
- Điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, quy định trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Mồ côi cả cha và mẹ”;
- Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định Mức trợ cấp xã hội hàng tháng như sau
“1. Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:
a) Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này:
- Hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi;
- Hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên”.
- Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định Mức chuẩn trợ giúp xã hội như sau:
“1. Mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.
2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng.
Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
3. Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định:
a) Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này;
b) Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội”.
Như vậy, đối chiếu với những quy định pháp luật nêu trên thì T thuộc trường hợp trẻ em được chăm sóc thay thế. Cô ruột hoặc cậu ruột có thể nhận thay thế chăm sóc cho T. T là trẻ em dưới 16 tuổi, không có nguồn nuôi dưỡng nên em sẽ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, với mức hưởng thấp nhất bằng mức chuẩn trợ cấp xã hội nhân với hệ số 1,5. Cụ thể là 360.000 nghìn đồng nhân với hệ số 1,5 bằng 540.000 nghìn đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định mức trợ cấp xã hội, mức trợ cấp nuôi dưỡng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng và các mức trợ giúp xã hội khác cao hơn các mức tương ứng quy định tại Nghị định này. Như vậy, mức trợ cấp mà cháu T được nhận ít nhất là 540.000 đồng/tháng.