Thứ năm, 28/03/2024, 06:17

Xử lý hành vi bán hàng cao hơn giá niêm yết

Thứ năm - 08/12/2022 04:14 2.946 0

Vừa rồi tôi có đưa xe ô tô vào gara để bảo dưỡng định kỳ. Sau khi kiểm tra sơ bộ, nhân viên tư vấn thông báo xe của tôi bảo dưỡng ở cấp độ 20 nghìn km, các hạng mục gồm thay dầu, đảo lốp, đổ nước làm mát, rửa kính, bơm hơi.

Đúng hẹn, 17 giờ cùng ngày quay lại lấy xe, quản lý của gara đưa tờ thông tin bảo dưỡng và thay thế linh kiện, yêu cầu tôi thanh toán hóa đơn trị giá 28 triệu đồng. Theo đó, ngoài các hạng mục bảo dưỡng định kỳ như đã thông báo, họ còn tự ý thay thế quạt gió điều hòa, lọc dầu, lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa và tiền công là 8 triệu đồng.

Tôi không đồng ý vì trước khi mang vào bảo dưỡng, xe của tôi vẫn đang chạy bình thường. Hơn nữa, gara đã không thông báo trước cho tôi về việc thay thế và giá cả các linh kiện này. So sánh với báo giá được treo tại gara cũng thấy giá cả của một số linh kiện đã được nâng lên gấp 1,5 thậm chí 2 lần. Quản lý gara nói rằng gara hết đồ, phải đi mua lại chỗ khác nên giá cao.

Quản lý gara đã gọi một số người đến, có những hành động và lời nói nhằm đe dọa tôi về việc nếu không trả tiền, họ sẽ tháo hết đồ đã thay, sau đó đẩy xe của tôi ra đường và tôi phải trả 13 triệu đồng (bao gồm 5 triệu tiền bảo dưỡng và thay thế linh kiện đã thông báo, 3 triệu tiền công lắp vào và 3 triệu tiền công tháo ra các linh kiện chưa thông báo cho tôi).

Do không còn cách nào khác, tôi đã phải thanh toán cho họ số tiền 28 triệu đồng.

Đề nghị các anh chị cho biết:

- Gara có bắt buộc phải thông báo cho khách hàng về việc thay thế linh kiện và giá cả hay không?

- Trách nhiệm của chủ gara khi tính tiền linh kiện và tiền công lắp đặt cao hơn nhiều so với thị trường?

Trả lời

Bản chất của việc cung cấp và thay thế linh kiện khi thực hiện dịch vụ bảo dưỡng  xe ô tô là hành vi mua bán hàng hóa giữa gara và chủ sở hữu xe. Theo Điều 430 Bộ Luật dân sự năm 2015, “hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.

Về nội dung của hợp đồng, Điều 398 của Bộ luật này quy định:

“1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp”.

Trên thực tế, khi khách hàng đến bảo dưỡng hoặc có nhu cầu sửa chữa, gara của các hãng xe hoặc cơ sở sửa chữa xe ô tô lớn đều tiến hành kiểm tra, lập danh mục bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế và tư vấn cho khách hàng. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các hạng mục khác, họ đều thông báo để xin ý kiến của khách hàng.

Là giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật, gara ô tô với tư cách người bán phải đưa ra lời đề nghị mua hàng với chủ xe. Nói cách khác, chỉ khi bạn đồng ý, họ mới được thay thế linh kiện cho xe.

Giá cả là một trong những điều khoản bắt buộc của hợp đồng mua bán. Các gara thường niêm yết giá công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Theo khoản 6 Điều 4 Luật Giá năm 2012, “Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Thông tin của bạn cho thấy, gara đã thực hiện niêm yết giá của linh kiện, phụ tùng thay thế nhưng lại tính tiền cao hơn 1,5 thậm chí 2 lần cho bạn. Đó chính là hành vi bán hàng cao hơn giá niêm yết.

Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này”.

Như vậy, do gara bán cao hơn giá niêm yết linh kiện, phụ tùng thay thế trong quá trình bảo dưỡng ô tô không phải là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, nên họ sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi này.

Thêm nữa, theo khoản 7 của Điều này, họ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết”.

Trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Chính vì vậy, khi chủ gara tính tiền linh kiện thay thế và tiền công cao hơn giá niêm yết, nếu hai bên không thỏa thuận được, bạn có đề nghị cơ quan quản lý thị trường tại địa bàn có gara hỗ trợ, hoặc có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay8,280
  • Tháng hiện tại316,368
  • Tháng trước314,464
  • Tổng lượt truy cập3,980,165
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down