Bố mẹ tôi sinh được hai chị em tôi. Thấy tuổi ngày càng cao nên bố mẹ tôi đã làm di chúc phân chia tài sản cho các con phòng khi qua đời. Bản di chúc này bố mẹ tôi có giao cho em trai tôi giữ. Tuy nhiên, do lý do cá nhân nên bố mẹ tôi muốn lập lại
bản di chúc. Đề nghị cho biết, bố mẹ tôi có phải hủy bỏ bản di chúc cũ mà hiện đang giao cho em trai tôi đang giữ không?
Trả lời:
- Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
- Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”
- Điều 643 quy định hiệu lực của di chúc
“1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật thì chỉ có quy định về việc lập di chúc mới thì di chúc cũ bị huỷ bỏ mà không có quy định yêu cầu người lập di chúc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ di chúc đã lập. Đồng thời, khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Như vậy, khi lập di chúc mới thì chỉ có di chúc mới có hiệu lực, các di chúc cũ được lập trước đó sẽ không còn hiệu lực nên trong trường hợp này người lập di chúc cũng không buộc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ di chúc.
Ý kiến bạn đọc