Thứ ba, 08/10/2024, 11:26

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản

Thứ bảy - 25/02/2023 21:51 9.938 0

Bà ngoại em mất cách đây đã lâu, tài sản của bà để lại có mấy nhà đất ở quê. Trước đây, do không có nhu cầu sử dụng hết, trị giá cũng thấp nên cái thì đóng cửa nhờ họ hàng thi thoảng qua lại trông nom, cái thì cho mượn ở nhờ, canh tác, chỉ có một cái con riêng của bà ở.Nay con cháu bà ở thành phố muốn lấy lại, chia thừa kế rõ ràng thì biết thủ tục không đơn giản. Thậm chí, hỏi tư vấn được biết, mặc dù được thừa kế nhưng con cháu bà phải yêu cầu chia trong một thời hạn nhất định.

Xin hỏi, thời hạn yêu cầu chia di sản được pháp luật quy định như thế nào?   

Trả lời

Di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Về nguyên tắc, di sản thừa kế của người chết được chia theo di chúc hợp pháp do người đó để lại hoặc được chia theo pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

“a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản”.

Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản. Người phân chia di sản có thể đồng thời là người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc được những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Người phân chia di sản phải chia di sản theo đúng di chúc hoặc đúng thỏa thuận của những người thừa kế theo pháp luật. Người phân chia di sản được hưởng thù lao, nếu người để lại di sản cho phép trong di chúc hoặc những người thừa kế có thỏa thuận.

Bạn không nêu rõ bà ngoại bạn chết có để lại di chúc hay không, tương ứng là việc phân chia di sản của bà theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Việc phân chia di sản theo di chúc được quy định tại Điều 659 của Bộ luật này như sau:

“1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”.

Trường hợp di sản của bà được phân chia theo pháp luật, Điều 660 của Bộ luật này quy định:

“1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia”.

Lưu ý, trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.

Dù là thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Tóm lại, người thừa kế chỉ có thể yêu cầu chia di sản trong thời hạn là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này).

Quá thời hạn nêu trên, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Có nghĩa là, trường hợp người thừa kế đồng thời là người quản lý di sản thì quá thời hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế, di sản mới thuộc về người đang quản lý.

Trường hợp đang quản lý di sản không phải là người thừa kế, di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này. Đó là: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Sự khác nhau giữa người thừa kế đang quản lý di sản và người không phải người thừa kế đang quản lý di sản về quyền sở hữu di sản là mốc thời gian 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản. Nếu như người thừa kế đang quản lý di sản thì tính từ thời điểm mở thừa kế. Còn người không phải người thừa kế đang quản lý di sản thì tính từ thời điểm chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay15,730
  • Tháng hiện tại140,362
  • Tháng trước495,497
  • Tổng lượt truy cập6,563,199
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down