Thứ bảy, 21/12/2024, 07:33

Cha, mẹ mất thì quyền thừa kế được quy định như thế nào?

Chủ nhật - 12/02/2023 21:53 2.492 0

Bố mẹ tôi sinh được 3 người con (02 trai và 01 gái). Bố tôi mất sớm từ khi chúng tôi còn nhỏ. Mẹ tôi một mình nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành. Mẹ tôi có mua được mảnh đất 300m2 trong ngõ nhỏ, tôi và người em trai út được mẹ cho làm nhà ở và sinh sống trên mảnh đất của bà. Bà có nói sau này sẽ cho tôi và đứa em út miếng đất đó nhưng hiện tại mẹ vẫn đứng tên.

 Còn anh trai cả, trước khi lập gia đình được mẹ tôi cho một số tiền để mua 01 mảnh đất 200 m2 ở gần đó để sinh sống cùng vợ con. Vừa qua, không may em trai út tôi qua đời đột ngột. Giấy tờ về đất vẫn chưa sang tên mà hiện giờ mẹ tôi đã bị lẫn không còn minh mẫn để quyết định gì nữa. Tôi muốn hỏi: nếu mẹ tôi mất thì mảnh đất 300m2 được chia như thế nào?

Trả lời:

- Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau:

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

- Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

- Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

- Điều 656 Bộ Luật dân sự 2015 quy định họp mặt những người thừa kế

1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Theo quy định của pháp luật, nếu khi mẹ bạn mất, phần đất 300m2 của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật. Do gia đình có 03 người con nhưng 01 người đã mất, chính vì vậy phần đất của mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho 3 phần gồm 2 người con còn lại còn sống và 01 phần là phần thừa kế thế vị cho vợ con của chú út.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay7,965
  • Tháng hiện tại209,261
  • Tháng trước474,973
  • Tổng lượt truy cập7,637,054
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down