Thứ năm, 12/09/2024, 13:54

Một số tình huống pháp luật mới

Thứ hai - 30/10/2023 23:28 789 0

Tình huống 1. Chị A là công dân Việt Nam kết hôn với anh B có quốc tịch Hàn Quốc. Vợ chồng anh chị đang cư trú và làm việc tại xã X, huyện Y, tỉnh Z, Việt Nam. Anh B muốn con của anh chị được mang quốc tịch Hàn Quốc, trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện như thế nào? Việc anh B muốn con mang Quốc tịch Hàn Quốc phải có văn bản, giấy tờ gì không?

Gợi ý trả lời

Khoản 1 Điều 35 Luật Hộ tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; 

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch

UBND huyện Y, tỉnh Z  có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con của anh B.

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con của anh B được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Luật Hộ tịch như sau:

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này[1].

 Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh”.

Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch quy định người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Trường hợp anh B muốn chọn quốc tịch Hàn Quốc cho con thì trong văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Hàn Quốc.

Tình huống 2. S là người Việt Nam cư trú tại xã biên giới X huyện G tỉnh L có vợ là người Trung quốc. Hai vợ chồng S vừa sinh con trai đầu lòng. Xin hỏi, thủ tục đăng ký khai sinh cho con trai của vợ chồng S được thực hiện như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại Điều 17  Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về việc đăng ký khai sinh tại khu vực biên giới thì:

- Về thẩm quyền: Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó còn mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.

- Về hồ sơ: Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng chứng minh về nhân thân và nộp các giấy tờ sau đây:

+ Tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

+ Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con;

+ Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.

- Về thủ tục: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.Công chức tư pháp -hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Tình huống 3. Bà nội tôi vừa qua bị tai biến liệt nửa người không thể đi lại được. Bà tôi muốn lập di chúc chia tài sản cho các con, cháu. Vậy, tôi có thể đề nghị Ủy ban nhân dân xã cử người đến nhà chứng thực di chúc của bà mình không?

Gợi ý trả lời:

Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định, việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.

Đối chiếu trường hợp ông/bà nêu, gia đình có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã cử người đến nhà để chứng thực di chúc của bà.

Khi thực hiện chứng thực, người chứng thực sẽ phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) chứng thực.

Tình huống 4. Ông A muốn công chứng bản di chúc phân chia tài sản cho các con nhưng ông bị ốm, không thể đi lại được. Xin hỏi trong trường hợp này, ông A có thể ủy quyền cho người khác đến Phòng công chứng để yêu cầu công chứng bản di chúc trên được không?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật Công chứng 2014 thì người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Như vậy theo quy định của pháp luật thì ông A không thể ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc của mình được mà phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc. Trường hợp ông A già yếu không thể đi lại được thì có thể yêu cầu công chứng viên đến nhà riêng để công chứng di chúc.

Tình huống 5. Để thuận lợi trong công việc, anh C muốn đăng ký thay đổi họ tên.Nhưng do công việc khá bận rộn anh C không có thời gian đến nộp hồ sơ tại UBND xã, anh muốn nộp hồ sơ và nhận kết quả qua đường bưu điện có được không?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 3, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, người yêu cầu đăng ký kết hôn,nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch; người yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch khác có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến. Hồ sơ đăng ký hộ tịch chỉ cần lập một (01) bộ.

Trường hợp người yêu cầu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc muốn nhận kết quả qua hệ thống bưu chính thì phải gửi nộp lệ phí đăng ký hộ tịch, lệ phí cấp bản sao trích lục hộ tịch nếu không thuộc diện được miễn lệ phí và chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính. Người tiếp nhận hồ sơ ghi rõ phương thức trả kết quả trong giấy tiếp nhận.

Như vậy, Anh C có có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả qua đường bưu điện.

Tình huống 6. T có thai, tuy nhiên, T chưa đăng ký kết hôn với ai. Vì vậy, T rất lo lắng và không biết việc đăng ký khai sinh cho con của mình được thực hiện như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.

T chưa đăng ký kết hôn với ai, con của T thuộc trường hợp chưa xác định được cha. Khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.

Tình huống 7. Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị X có thông tin về giấy tờ tuỳ thân là số chứng minh nhân dân do công an tỉnh cấp. Hiện nay, chị X đã được cấp Căn cước công dân. Vậy để thuận tiện cho các giao dịch, chị X muốn làm thủ tục thay đổi thông tin về giấy tờ tuỳ thân trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ số chứng minh nhân dân thành số căn cước công dân có được không?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại Điều 26 Luật Hộ tịch thì phạm vi thay đổi hộ tịch bao gồm:

1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi”.

Như vậy, phạm vi thay đổi hộ tịch không bao gồm thông tin về giấy tờ tuỳ thân trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị X không thể làm thay đổi thông tin về giấy tờ tuỳ thân trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ số chứng minh thành số căn cước công dân.

Tình huống 8. Ba và mẹ của V đăng ký kết hôn năm 1991, nay, Giấy chứng nhận kết hôn của ba mẹ chị bị mất. Bố V mất đã gần một năm. Mẹ V có tới UBND xã xin cấp trích lục kết hôn bản sao, tuy nhiên UBND xã không còn lưu giữ sổ đăng ký kết hôn năm 1991. Vậy, mẹ V cần giấy chứng nhận kết hôn để bổ sung vào hồ sơ đi Úc thì có xin đăng ký lại kết hôn được hay không?

Gợi ý trả lời:

Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết”.

Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của ba mẹ chị Ngọc, vì bố V đã mất nên mẹ V không thể thực hiện việc đăng ký lại kết hôn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay16,324
  • Tháng hiện tại185,010
  • Tháng trước395,163
  • Tổng lượt truy cập6,112,350
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down